Takata chính thức nộp đơn bảo hộ phá sản sau khi phải tiến hành đợt thu hồi lớn nhất các túi khí bị lỗi trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô. Ảnh: Reuters |
Trong thông báo cùng ngày, Takata cho biết đã xúc tiến các thủ tục đệ đơn xin bảo hộ phá sản lên Tòa án quận Tokyo. Nếu được chấp thuận, Takata sẽ cần phải tiến hành tái cấu trúc dưới sự giám sát của tòa do lỗi kỹ thuật đối với túi khí do Takata sản xuất đã gây hậu quả nghiêm trọng, khiến ít nhất 16 người thiệt mạng trên toàn thế giới.
Tính đến cuối tháng Ba năm nay, các khoản nợ của Takata ước tính khoảng 400 tỷ yen. Nếu tính gộp cả khoản nợ 1 nghìn tỷ yen từ hoạt động thu hồi liên quan lỗi túi khí, số tiền này sẽ lớn hơn rất nhiều khoản nợ 448 tỷ yen và 500 tỷ yen của nhà sản xuất chất bán dẫn Elpida Memory và Panasonic, vốn đã lần lượt tuyên bố phá sản vào năm 2012 và 2016.
Khoảng 100 triệu xe, trong đó có chừng 70 triệu xe ở Mỹ, trong diện phải thu hồi để khắc phục các túi khí do Takata sản xuất bị lỗi. Hoạt động giao dịch cổ phiếu của Takata đã bị ngưng lại khi bắt đầu mở cửa thị trường chứng khoán Tokyo ngày 26/6 sau khi cổ phiếu của họ trải qua một tuần biến động mạnh. Trước đó, ngày 23/6, giá cổ phiếu của Takata đã tăng hơn 40% sau khi rớt giá trước đó do các nhà giao dịch đặt cược khả năng doanh nghiệp này bị phá sản.
Cũng trong thông báo cùng ngày, công ty sản xuất phụ tùng ô tô của Mỹ là Key Safety Systems (KSS), do Ningbo Joyson Electronic của Trung Quốc sở hữu, sẽ tiếp quản Takata với số tiền ước tính khoảng 1,58 tỷ USD.