TP Hồ Chí Minh:

Nỗ lực bình ổn giá thị trường Tết

(Tin Tức) - Tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh tăng 1,73%, mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay khiến hàng loạt mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm tăng mạnh, cộng với áp lực về nguồn hàng phục vụ nhu cầu cuối năm và Tết Nguyên đán đang dồn sức ép lên thị trường.

Giá thực phẩm lại tăng

Khách hàng mua hàng bình ổn giá tại Siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu.
Ảnh: Kim Phương-TTXVN

Bắt đầu tăng từ hơn 10 ngày trước, nhưng giá thịt lợn tại các chợ bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh lại đang vào đợt tăng giá mới. Khảo sát của phóng viên Tin Tức sáng 25/11 tại các chợ Tân Định (quận 3), chợ Phú Nhuận, chợ Tân Bình… giá thịt đùi đã tăng thêm 4.000 đồng/kg lên 76.000 đồng/kg, sườn non tăng thêm 5.000 đồng/kg, lên mức 99.000 đồng/kg… Tại chợ đầu mối Bình Điền, giá lợn hơi loại 1 tăng từ 33.000 đồng/kg lên .000 - 39.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tăng đã đẩy giá các loại thịt pha lóc tăng thêm từ 9.000 - 14.000 đồng/kg.

Do ảnh hưởng của thời tiết, lượng hàng rau củ về chợ đầu mối giảm đã đẩy giá tại các chợ bán lẻ tăng mạnh. Cụ thể, rau muống tăng gấp 2 lần trước đó, lên mức 6.000 đồng/bó, bắp cải tăng thêm 3.000 đồng/kg, lên mức 9.000 đồng/kg… Mặt hàng thịt gia cầm cũng đang có xu hướng tăng nhẹ, khi tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 11. Hiện giá thịt gà ta tại các chợ truyền thống có giá 110.000 - 115.000 đồng/kg, thịt vịt 60.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp 48.000 đồng/kg.

Tuần qua, các siêu thị trên địa bàn TP.HCM cũng đã đồng loạt niêm yết giá mới với mức tăng khoảng 5-15%. Đây được xem là sự biến động giá lớn, bởi trong tháng 10 vừa qua, các siêu thị cũng đã có loạt điều chỉnh giá.

Đánh giá về việc giá cả thị trường đang tăng, bà Lê Ngọc Đào, PGĐ Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết: Ngoài nguyên nhân khách quan do chi phí đầu vào tăng cao, những bất lợi về thời tiết, còn nguyên nhân chủ quan khi các tháng cuối năm là mùa cao điểm về tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt ở nhóm hàng lương thực, thực phẩm… Thời gian tới giá sẽ vẫn còn nhiều biến động và thành phố đang có những biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát thị trường".

Tăng nguồn hàng bình ổn

Hiện các doanh nghiệp được thành phố giao nhiệm vụ bình ổn giá đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng để cung ứng ổn định từ nay cho đến Tết Tân Mão 2011. Cụ thể, Vissan đã chuẩn bị gần 6.000 tấn thịt lợn, thực phẩm chế biến tăng gần 2 lần so với số lượng được giao. Công ty CP thực phẩm công nghệ được giao 1.000 tấn đường, 200 tấn dầu nhưng thực tế đã chuẩn bị cho Tết 2.250 tấn đường và 400 tấn dầu. Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ được giao 525 tấn thịt gia cầm nhưng đã chủ động tăng lượng dự trữ hơn 1.000 tấn... Thành phố cũng đã đưa thêm Tập đoàn Phú Cường với mặt hàng chủ lực là thủy sản vào diện bình ổn giá. Với sản lượng chiếm khoảng 20% thị phần, doanh nghiệp này sẽ cung cấp đủ nguồn hàng theo yêu cầu của thành phố với giá thấp hơn thị trường 5-10%.

Theo bà Lê Ngọc Đào, kết quả kiểm tra nguồn hàng bình ổn của các doanh nghiệp cho thấy, đến nay các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng vượt so với kế hoạch UBND thành phố giao và chiếm từ 30 - 40% nhu cầu tiêu dùng của thị trường vào dịp Tết. Riêng mặt hàng đường, do có nhiều biến động trong thời gian qua, nên thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp tăng lượng đường lên gần 12.000 tấn, cao gấp 6 lần so với kế hoạch.

Để góp phần hạ nhiệt giá cả trên thị trường, đến thời điểm này, thành phố đã gia tăng các điểm bán hàng bình ổn giá lên gần 2.000 điểm, trong đó tăng những điểm bán tại các chợ truyền thống lên hơn 500 điểm. Các điểm bán hàng này đều phải thực hiện nghiêm các quy định về giá bán, niêm yết giá… và được các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm. Thành phố hy vọng những điểm này sẽ góp phần hạ nhiệt thị trường bên ngoài, bởi giá tại các điểm bán hàng bình ổn chênh lệch rất nhiều so với giá thực tế tại các chợ.

Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN