Là đơn vị đóng chân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực di truyền chọn tạo giống, công nghệ sinh học, bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác và chuyển giao công nghệ mới phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tiến sỹ Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, cho biết: Để góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh Ninh Thuận, Viện đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trên nhiều đối tượng cây trồng khác nhau, trong đó tập trung nghiên cứu các loại cây trồng đặc thù, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Đồng thời, Viện nghiên cứu giải pháp khắc phục các hạn chế gặp phải trong quá trình sản xuất của người dân trong khu vực.
Từ năm 2016 đến nay, Viện thực hiện các đề tài nghiên cứu, tuyển chọn được 22 giống măng tây, 9 giống ổi, 9 giống xoài, 8 giống mãng cầu, 8 giống mít, 7 giống nhãn; giống táo TN 05, giống nho NH 01-152 có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Ninh Thuận và khu vực Nam Trung Bộ. Từ mỗi loại cây Viện đã tuyển chọn, giới thiệu vào sản xuất từ 1 - 2 giống. Đây là những giống cây có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt và ổn định để phục vụ sản xuất.
Nổi bật trong chương trình nghiên cứu cây ăn quả là Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã chọn lọc được giống nho NH 01-152, giống nho mới được ghép trên nền tảng gốc ghép nho dại. Giống nho này có nhiều ưu điểm như quả to, trọng lượng đạt từ 0,5 kg đến trên 1,5 kg/chùm, khi chín toàn phần quả có màu đỏ vang rất đẹp, thịt chắc, giòn, độ ngọt vừa phải, có vị thơm nhẹ đặc trưng nên rất được ưa chuộng trên thị trường .
Giống nho NH01-152 đã được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận và cho sản xuất thử; đồng thời đang được chuyển giao cho các hộ dân trồng nhân rộng để thay thế cho một số giống nho cũ đã thoái hóa, giúp tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nho ăn tươi chất lượng cao của Ninh Thuận với một số dòng nho nhập khẩu hiện nay.
Cùng với nghiên cứu những giống nho mới, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố còn nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ trái nho Ninh Thuận để tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm như nghiên cứu thành công quy trình sản xuất rượu Nha Hố Brandy với 3 dòng sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Hiện nay, Viện tiếp tục phối hợp với Viện Công nghệ Thực phẩm (Bộ Công Thương) và Công ty TNHH Vĩnh Tiến (Lâm Đồng) hoàn thiện quy trình chế biến chế biến rượu vang từ sản phẩm nho Ninh Thuận.
Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố cũng tập trung nghiên cứu chọn tạo, đưa vào sản xuất các giống cây chịu hạn, ít nhiễm sâu bệnh, cho năng suất cao như giống lúa thuần PY2 với đặc trưng hạt tròn, cứng cây, chống đổ ngã tốt; sản xuất hạt giống ngô lai LVN10, LVN14, HN, nếp lai số 9 với sản lượng hàng năm đạt từ 200 - 300 tấn hạt có chất lượng để cung ứng cho sản xuất. Ngoài ra, Viện còn nghiên cứu các giống cỏ phục vụ chăn nuôi nhằm giải bài toán thiếu hụt thức ăn vào mùa khô hạn; bước đầu đã xác định giống ngô sinh khối DH17-5, giống cỏ Mulato II, cỏ Stylo có khả năng chịu hạn với năng suất, chất lượng tốt để chuyển giao cho người dân trồng nhân rộng.
Để nông dân nâng cao hiệu quả canh tác, Viện đang đẩy mạnh nghiên cứu các kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật mới để áp dụng vào sản xuất như sử dụng cây gốc ghép, trồng cây trong nhà màng, lưới chắn côn trùng, trồng leo giàn chữ Y, công nghệ tưới nước tiết kiệm, bao chùm quả… Nhiều mô hình sản xuất, khảo nghiệm do Viện triển khai đã và đang mang lại hiệu quả cao, góp phần làm thay đổi nhận thức sản xuất của người dân, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao các loại giống cây của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã góp phần tích cực vào thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận. Tuy vậy, việc đưa giống mới vào sản xuất cũng còn gặp khó khăn như thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của tập quán canh tác lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các mô hình thí điểm còn ít, một bộ phận nông dân lo ngại rằng khi sử dụng các giống cây trồng mới sẽ khó tiêu thụ sản phẩm.
Tiến sỹ Phan Công Kiên cho biết thêm, để đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng cao hơn, năm 2020 Viện tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen, chọn tạo các giống cây mới, phát triển các giống lên tầm cao hơn. Đồng thời, Viện xây dựng các bộ giống khảo nghiệm theo hướng chú trọng đưa các giống chất lượng cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, kháng sâu bệnh tốt vào sản xuất kết hợp với quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Hiện tại, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đang thực hiện bảo tồn và lưu giữ ngắn, trung hạn hơn 2.300 mẫu giống bông các loại; 41 mẫu giống gai xanh; 10 mẫu giống dứa sợi; 143 mẫu giống nho, 81 mẫu giống ngô, 225 mẫu giống lúa; 9 mẫu giống táo; 6 mẫu giống thanh long.
Với những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nông nghiệp, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Ba; nhiều giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam - Quỹ VIFOTEC, Giải thưởng Kovalevskaia… cùng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của các bộ, ngành trung ương và địa phương.
Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu, giai đoạn 2020 - 2030, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, thu hút đầu tư xây dựng nền nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Ninh Thuận đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với các viện, đơn vị nghiên cứu khoa học tập trung nghiên cứu, chọn tạo, cung ứng các giống cây trồng mới có khả năng thích ứng với khô hạn, cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Tỉnh cũng có các cơ chế, chính sách ưu đãi đối các chủ thể, đơn vị tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.