Khép phiên này, giá dầu Brent tăng 50 xu lên 94,43 USD/thùng sau khi đã có lúc chạm mức 94,45 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 71 xu lên 91,48 USD/thùng.
Dầu Brent và WTI đã tăng ba tuần liên tiếp và chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2022, đồng thời đang trên đà ghi nhận mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát vào quý I/2022.
Yếu tố chính hỗ trợ giá “vàng đen” trong phiên này là những đồn đoán của thị trường về khả năng thu hẹp nguồn cung sau kế hoạch cắt giảm sản lượng kéo dài của Nga và Saudi Arabia, bên cạnh việc sản lượng dầu đá phiến của Mỹ dự kiến suy giảm.
Trong tháng này, Saudi Arabia và Nga đã gia hạn kế hoạch cắt giảm nguồn cung tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay.
Cùng với đó, một báo cáo hàng tháng của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng dầu từ các khu vực sản xuất đá phiến hàng đầu sẽ giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 10 tới, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết, việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga có thể khiến thị trường thâm hụt nguồn cung 2 triệu thùng/ngày trong quý IV/2023. Tình trạng dự trữ năng lượng giảm sau đó có thể khiến thị trường đối mặt với nguy cơ giá “leo thang” hơn nữa vào năm 2024.
Citi hôm 18/9 đã trở thành ngân hàng mới nhất dự đoán giá dầu Brent có thể vượt quá ngưỡng 100 USD/thùng trong năm nay.
Theo giới quan sát, Trung Quốc hiện là rủi ro chính đối với thị trường năng lượng vì tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp sau đại dịch của nước này. Dù vậy, lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc vẫn ở mức cao.
Tuần này, mọi sự chú ý của giới giao dịch cũng sẽ đổ dồn vào quyết định chính sách của các ngân hàng trung ương lớn, trong đó bao gồm cả quyết định lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc họp kéo dài hai ngày 19-20/9 (giờ địa phương).