Nông dân lao đao vì sữa ế - Bài 1

SỮA Ế DO LIÊN KẾT LỎNG LẺO

Trong thời gian qua, nông dân ở một số địa phương đã phải đổ bỏ sữa tươi vì các nhà máy không thu mua hết. Nguyên nhân một phần do liên kết giữa nông dân và công ty thu mua còn thiếu chặt chẽ, phần nữa là do nhiều địa phương phát triển bò sữa không theo quy hoạch.


Đừng để dân phải tiếp tục đổ sữa bỏ đi như ở Lâm Đồng. Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN


Dân nuôi bò sữa hoang mang

Năm 2014 ước tính cả nước có 210.000 bò sữa (tăng 5 lần so với năm 2001), sản xuất 540.000 tấn sữa tươi/năm. Bình quân, mỗi năm tăng trưởng 27,3% về bò sữa, 48% về sữa. Hiện người Việt Nam tiêu thụ sữa ở mức 18 kg sữa/người/năm (Nhật Bản là 81,4 kg/người; Hàn Quốc 43 kg/người; Thái Lan 35 kg/người…). Việt Nam mới chỉ tự túc được 28% lượng sữa trong nước, còn lại vẫn phải nhập khẩu 72% với giá trị trên 1 tỷ USD.

Các số liệu trên cho thấy, thị trường tiêu thụ sữa tươi còn rất lớn và đòi hỏi phải đẩy mạnh chăn nuôi bò sữa cả về số lượng và năng suất. Tuy nhiên, từ tháng 10/2014 tới nay, người nuôi bò sữa ở nhiều tỉnh trên cả nước hoang mang, lo lắng, vì sữa tươi không bán được, giá giảm mạnh. Nông dân xã Phù Đổng, Dương Hà (Gia Lâm, Hà Nội) có lúc phải bán với giá từ 5.000 - 8.000 đồng/lít mà không có người mua, có hộ phải cho lợn ăn mà không hết.

Ông Nguyễn Hữu Hòa, Chủ nhiệm Hợp tác xã Phù Đổng (Gia Lâm) cho biết, trong xã có gần 800 hộ chăn nuôi, với trên 1.800 con, xấp xỉ 17 tấn/ngày. Lượng sữa chủ yếu bán cho Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty CP sữa Quốc tế (IDP). Cuối tháng 10/2014 đến nay, xẩy ra tình trạng ứ đọng sữa, trước tình hình này, người chăn nuôi rất lúng túng. Mỗi ngày xã có thể tồn đọng 1 - 2 tấn sữa/ngày. Chúng tôi phải tìm các nơi để bán sữa, có lúc giá giảm chỉ còn 5.000 - 7.000 đồng/lít.

Trên địa bàn xã Phù Đổng có 6 trạm thu mua sữa cho các công ty, trong đó Công ty IDP thu mua khoảng 43%, còn lại là Công ty sữa Vinamilk. Theo phản ánh của các trạm thu gom, nguyên nhân là do Công ty IDP thông báo hạn chế việc thu mua sữa. Không những thế, từ tháng 10/2014, giá mua sữa của Công ty IDP là 12.200 đồng/kg, trong khi Vinamilk đang thu mua với giá 14.000 đồng/kg, gây thiệt thòi cho người nông dân.

Theo ông Hòa, thời gian qua, đã có nhiều tín hiệu khả quan hơn nhưng các hộ nuôi bò sữa vẫn còn nhiều băn khoăn. Công ty IDP vẫn áp dụng theo Thông báo ngày 26/10/2014 về quy định lượng sữa. Ví dụ, trạm A mua được 1 tấn/ngày, nếu tăng thêm 30% vẫn được bán với giá 12.200 đồng/kg. Nhưng nếu vượt quá 1.300 kg/ngày, sẽ bị giảm trừ 2.000 đồng/kg. Gần đây Công ty IDP còn chậm tiền sữa của người dân tới cả tháng.

Không chỉ xã Phù Đổng, tình trạng nông dân không tiêu thụ hết lượng sữa sản xuất ra cũng xảy ra tại nhiều địa phương khác của cả nước. Theo thống kê, tổng đàn bò sữa của TP Hồ Chí Minh khoảng 113.000 con (chiếm 50% tổng đàn cả nước), trong đó huyện Củ Chi chiếm hơn 80% tổng đàn, tập trung ở các xã An Phú, An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng…

Khảo sát của phóng viên Tin Tức, hiện các công ty vẫn chưa thu mua hết sản lượng sữa cho nông dân với giá cam kết 13.000 đồng/kg như hợp đồng đã ký. Riêng những hộ nuôi mới hoặc tăng đàn mà không khai báo đang phải chấp nhận bán với giá chỉ 8.000 - 9.000 đồng/kg nhưng vẫn khó khăn trong việc tìm nơi tiêu thụ.

Tại tỉnh Lâm Đồng tình trạng còn bi đát hơn khi người nuôi bò sữa không có nơi tiêu thụ đành “cắn răng” đổ sữa. Nguyên nhân theo UBND tỉnh Lâm Đồng là do sự phát triển tự phát, chủ quan của người chăn nuôi. Trong khi đó sản lượng sữa tăng quá nhanh khiến các công ty thu mua sữa bị quá tải không chuẩn bị sẵn sàng phương án thu mua.

Hợp đồng thiếu chặt chẽ

Theo các công ty thu mua sữa, mùa hè nhiều nông dân bán sữa ra thị trường tự do vì được giá cao hơn, mùa đông lại chỉ dồn bán cho công ty sữa, một số nông dân không ký hợp đồng bán sữa cho công ty, nay bị ế cũng đề nghị các công ty mua, gây khó khăn và thua lỗ cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty sữa IDP, hàng năm đều xẩy ra tình trạng này, do sự liên kết không chặt chẽ giữa hai bên. Vào mùa hè, nông dân bán số lượng ít cho nhà máy, Công ty chỉ thu mua được 2 tấn sữa tươi/ngày, có ngày không mua được tấn nào từ huyện Ba Vì, nhưng mùa đông lại lên tới 6 - 7 tấn/ngày. “Kế hoạch sản xuất và kinh doanh của Công ty không thể thay đổi liên tục. Do vậy, đề nghị có sự kết hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc dự báo, có sự cam kết của người dân với công ty. Để có sự công bằng cho doanh nghiệp”, ông Dũng nói.

Bà Nguyễn Thị Mai, Trưởng phòng Nguyên liệu Công ty IDP cho biết: “Có trạm thu gom tăng 60% trong mùa đông, khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn họat động thu mua”.

Tương tự, ông Vũ Ngọc Long, Trưởng ban Phát triển vùng nguyên liệu (Công ty sữa Việt Nam - Vinamilk) cho rằng, một bộ phận nông dân vẫn còn tư tưởng nhỏ lẻ. Mùa hè, nếu bán ra ngoài cao hơn 1.000 đồng/lít, họ sẵn sàng phá quy ước để bán ra thị trường, dẫn đến có lúc công ty thiếu sữa để sản xuất. Nhưng tới mùa đông, lượng sữa không bán được nhiều, họ dồn cho công ty, bồn chứa của công ty có hạn, nếu đã đầy thì Vinamilk không thể mua thêm nữa. Vì vậy, các ban ngành, đoàn thể cần tuyên truyền để người nông dân thấy được quyền lợi lâu dài và bền vững. 

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), với mức giá 13.000 - 14.000 đồng/kg sữa tươi nguyên liệu được cho là cao trong khu vực như hiện nay, không thể ép các doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sữa cho nông dân.

Theo các chuyên gia, một nguyên nhân khác khiến các công ty sữa không “mặn mà” thu mua trong vụ năm nay, là do giá sữa bột nhập từ nước ngoài về giảm mạnh trong năm 2014, nếu quy đổi ra sữa tươi, 1 lít sữa hoàn nguyên có giá dưới 10.000 đồng/lít. Trong khi giá mua sữa tươi của nông dân từ 12.000 - 14.000 đồng/lít.


Lê Nghĩa - Hữu Vinh

Bài 2: Nhập nhèm nguồn gốc sữa

Nuôi bò sữa để thoát nghèo
Nuôi bò sữa để thoát nghèo

Vài năm trở lại đây, xã nông nghiệp Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) từng bước vươn lên phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi bò sữa. Phong trào nuôi bò sữa theo hình thức nông hộ đang là hướng đi giúp nhiều hộ dân, điển hình là các hộ Khmer nghèo tại địa phương này thoát nghèo nhanh chóng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN