Tại huyện Gò Dầu, Tân Biên và Châu Thành đã có đến 1.650 ha cây trồng bị ảnh hưởng, ước tính thiệt hại gần 20 tỉ đồng.
Anh Trần Thái Nguyên, ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành buồn bã cho biết, suốt gần 7 ngày qua, kể từ khi xuất hiện những cơn mưa bất thường liên tục đổ xuống, anh phải dành thời gian từ 6 giờ sáng đến 19 giờ tối để bơm nước ra rạch, nhằm vớt vát những khoảnh ruộng lúa còn chưa bị đổ nhiều.
Gần 1 ha lúa của gia đình vừa ngậm sữa bị ngã rạp từng lõm, nước ngập lênh láng. Trong đó, có khoảng 2.000 m2 đã bị ngập nặng, anh đành phải bán non cho người nuôi vịt gần đó, thu về chỉ được 800.000 đồng.
Gần 1 ha lúa của anh Trần Thai Nguyên, 43 tuổi tại ấp Long Trung, xã Long Thành trung, huyện Hòa Thành, Tây Ninh bị ngã đổ do mưa trái mùa. |
Anh Nguyên bùi ngùi, vụ đông xuân năm nay, gia đình xuống giống được 2 ha lúa, nếu không có mưa lớn trái vụ, sau khi thu hoạch, sẽ cho lãi được khoảng trên dưới 60 triệu đồng. Với tình hình lúa đổ như hiện nay, năng suất sẽ giảm khoảng 20-30%. Cộng với tiền thuê mướn máy gặt, nhân công vác lúa tăng lên gần gấp đôi. Anh chỉ mong sao có thể hòa vốn.
Chị Đỗ Ngọc Phương, ấp Hiệp Trường, xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành có khoảng 0,25 ha lúa bị đổ hoàn toàn nói, tuy lúa của chị chưa đến ngày thu hoạch, hạt còn xanh, nhưng phải cho thu hoạch sớm với giá thuê máy gặt tăng gấp đôi (1 triệu đồng 0,25 ha), để thu về được đồng nào hay đồng đó, thay vì phải chịu mất trắng.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi tỉnh Tây Ninh cho biết, đợt mưa trái mùa năm nay kéo dài nhiều ngày với lượng mưa rất lớn, nên đã gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp hơn những năm trước.
Tỉnh đang cho rà soát lại toàn bộ diện tích bị thiệt hại do thiên tai cho từng loại cây trồng, sau đó sẽ có đánh giá cụ thể từng mức độ để có chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, có diện tích thiệt hại nặng.