Nếu sản phẩm có chỗ đứng trong các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi), thì doanh nghiệp coi như cầm chắc một nửa thành công trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều hàng Việt, đặc biệt là hàng nông sản, đang tìm cách để có được một chỗ đứng như vậy. Song xem ra, vào được siêu thị là việc không hề đơn giản.
Nhiều doanh nghiệp Việt mong muốn đưa hàng vào kênh phân phối lớn tại TP Hồ Chí Minh. |
Thời gian qua, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do sức mua trên thị trường nội địa giảm, sản phẩm tồn kho cao làm cho nguồn vốn quay vòng chậm. Đặc biệt, các doanh nghiệp chế biến hàng công nghệ thực phẩm và trồng trọt tạo ra nhiều sản phẩm nhưng không có thị trường tiêu thụ. TP Hồ Chí Minh có khoảng 10 triệu dân, là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn với nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống. Song thực tế, nhiều sản phẩm nông sản và sản phẩm chế biến vẫn không “có cửa” chen chân vào hệ thống bán lẻ hiện đại của thành phố.
Theo đó, các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ cho rằng, các địa phương này cung cấp một lượng lớn (khoảng 60 - 70%) hàng hóa cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên vẫn còn nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến gặp khó khăn khi tiêu thụ tại các hệ thống phân phối hiện đại của Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Bích Ly, Công ty cổ phần đầu tư thương mại du lịch Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp), cho biết: “Đồng Tháp có nhiều đặc sản nhưng tiêu thụ rất chậm vì nhà sản xuất và nhà phân phối chưa “gặp” nhau. Tương tự, đại diện Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết, toàn tỉnh có khoảng 70 hợp tác xã (HTX) với hàng trăm sản phẩm nông sản, thủy sản nhưng chỉ có mặt hàng trứng của HTX Tam Phước và nhãn xuồng cơm vàng là vào được siêu thị.
Theo các doanh nghiệp, chỉ cần sản phẩm có “chỗ đứng” trong hệ thống phân phối thì công việc kinh doanh đã được coi là thành công một nửa. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều chạy vạy tìm đường đi cho hàng hóa của mình vào siêu thị, song không phải cứ muốn là được vì họ gặp nhiều rào cản. “Hiện chi phí để đưa hàng hóa vào siêu thị rất cao, tổng cộng lên tới 23% gồm chiết khấu và lợi nhuận của siêu thị...”, ông Đặng Thành Bửu, Giám đốc Công ty Sa Giang (Đồng Tháp) cho biết. Mặc dù với mức chi phí cao như vậy nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đưa hàng hóa vào các kênh phân phối hiện đại. “Mặc dù được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, thế nhưng đường mà rau của chúng tôi vào siêu thị hoàn toàn bị bế tắc”, đại diện HTX Phú An (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) chua xót nói. “Thành phố nên thành lập một công ty trung gian để tạo sự liên kết giữa nông dân với nhà phân phối”, vị đại diện HTX Phú An bày tỏ nguyện vọng.
Việc hàng sản xuất ra nhưng không thể đến với hệ thống phân phối không chỉ làm cho doanh nghiệp thiệt thòi mà người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi. Tuy nhiên, nói về nguyên nhân dẫn đến hàng hóa các địa phương khó vào siêu thị, một số nhà phân phối cho rằng, các sản phẩm của địa phương chưa có thương hiệu, chưa có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm; số lượng và chất lượng không ổn định; nuôi trồng theo quy mô nhỏ... Đặc biệt, mức độ liên kết, hợp tác giữa các cơ sở sản xuất, nuôi trồng và các cơ sở phân phối chưa có sự gắn kết chặt chẽ.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp các tỉnh kết nối được với nhà phân phối, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, khẳng định, trong thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh hoạt động của chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa với các địa phương. Đồng thời bà Hồng cũng cho biết, thành phố sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất địa phương tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phân phối nhằm đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất - cung ứng - tiêu thụ hàng hóa.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết