Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi Cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh cho biết, hầu hết nông dân nuôi cua biển trong tỉnh đều có thu nhập cao, nhờ giá cua biển thương phẩm từ đầu năm đến nay luôn ổn định, thị trường tiêu thụ lớn. Cùng đó, nuôi cua biển chi phí thấp, rất ít gặp rủi ro, nông dân nuôi theo phương thức thu hoạch tỉa thưa chọn cua đạt kích lớn để bán nên tăng thêm lợi nhuận. Bình quân, nuôi cua biển từ 4 - 5 tháng cho năng suất từ 0,8 - 1,2 tấn cua thương phẩm/ha/vụ.
Ông Nguyễn Văn Thảnh, ấp Phước Thiện, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải cho biết, gia đình vừa thu hoạch xong 0,3 ha mặt nước ao nuôi cua biển với sản lượng hơn 250 kg cua thương phẩm. Nhờ giá cua thịt ( loại 4 - 5 con/kg) năm nay ổn định ở mức 180.000 đồng/kg và 350.000 đồng/kg đối với cua gạch, gia đình thu được hơn 25 triệu đồng trong vụ nuôi cua này.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, ở xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải cho biết, năm nay, nhiều hộ dân ở địa phương chuyển đổi hồ nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú thâm canh, bán thâm canh sang nuôi cua biển. Nguyên nhân do giá thức ăn công nghiệp dành cho tôm tăng cao, còn giá tôm thương phẩm không ổn định.
Trong khi đó, nông dân nuôi cua biển không phụ thuộc vào nguồn thức ăn công nghiệp mà tận dụng nguồn cá tạp, ốc, hến… làm thức ăn cho cua, giảm được chi phí. Nếu so sánh với nuôi tôm sú, tôm thẻ bán thâm canh, thâm canh bình thường, lợi nhuận từ nuôi cua biển đem lại tương đương.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi Cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh cho biết, nhiều năm nay, nông dân ở các vùng ven biển trong tỉnh Trà Vinh đã chọn cua biển làm con nuôi chủ lực để thay thế cho 1 hoặc 2 vụ nuôi tôm, nhằm hạn chế sự rủi ro việc nuôi tôm 3 vụ trong năm. Ngành nông nghiệp tỉnh luôn khuyến khích nông dân không có đủ diện tích đất bố trí quy trình kỹ thuật an toàn hệ thống ao để nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh mật độ cao nên chuyển sang nuôi cua biển thay cho 1 hoặc 2 vụ nuôi tôm, vừa tránh rủi ro, vừa đảm bảo về nguồn thu nhập.