Những năm gần đây, việc phát triển chăn nuôi một số loài động vật hoang dã như nhím, rắn, cá sấu, lợn rừng… trên một số địa bàn thuộc tỉnh Thái Nguyên, đã và đang trở thành hướng đi mới đem lại lợi nhuận cao cho nhiều gia đình nơi đây. Nếu như trước đây, chỉ có một vài gia đình nhỏ lẻ có sở thích nuôi các loài động vật hoang dã (ĐVHD), giờ đây đã trở thành một nghề chăn nuôi giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân.
* Nâng cao lợi nhuận chăn nuôi
Về Đại Từ, một trong những huyện có phong trào chăn nuôi ĐVHD phát triển mạnh mới thấy rõ những đổi thay mà nghề chăn nuôi mới này đem lại cho người dân tỉnh miền núi Thái Nguyên. Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy, xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, đã có hơn 5 năm kinh nghiệm nuôi nhím giống. Ban đầu chỉ với một cặp nhím con giá hơn 20 triệu đồng, đến nay chị đã mở rộng quy mô chăn nuôi lên hàng chục con, trừ chi phí mỗi năm gia đình chị thu về được hơn 100 triệu đồng tiền bán nhím giống. Chị Thúy cho biết: Nhím là loài vật rất dễ nuôi, thức ăn của nhím chỉ là các loại lá, rau, củ, quả sống. Đây là những loại thức ăn dễ kiếm, chi phí rẻ, đặc biệt có thể tận dụng những thức ăn thừa. Thêm vào đó, loài nhím có sức đề kháng tốt, rất ít khi bị bệnh.
Nuôi nhím mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Theo ông Nguyễn Ngọc Cường, Chủ nhiệm Hội chăn nuôi nhím huyện Đại Từ, trên địa bàn huyện đã có trên 100 hộ dân tham gia chăn nuôi nhím. Hầu hết các hộ này ban đầu phải vay vốn ngân hàng song đến nay đều có lãi. Con nhím mới được người dân Thái Nguyên chú ý trong gần 10 năm trở lại đây. Hiện nay nhím giống đang có giá 5 triệu đồng/con, nhím thương phẩm có giá 500 đến 600 nghìn đồng/kg. Tuy vậy, nguồn cung nhím thương phẩm đang rất khan hiếm do thị trường mới đủ cho nguồn nhím giống.
Cùng với Đại Từ, Phú Lương - huyện miền núi phía Bắc tỉnh Thái Nguyên cũng là một địa phương phát triển chăn nuôi các loài ĐVHD. Mô hình chăn nuôi rắn của gia đình anh Bạch Đình Thoại, tiểu khu Thái An, thị trấn Đu, huyện Phú Lương, từ lâu đã được coi là mô hình chăn nuôi kiểu mẫu về loài động vật đặc biệt này. Năm 2003, thấy một người bạn đầu tư nuôi rắn cho thu nhập khá, anh đã mua hơn 30 con rắn hổ mang về nuôi thử. Tìm tòi, học hỏi qua sách báo, áp dụng vào thực tế chăn nuôi, đàn rắn của gia đình anh đã sinh sản và ngày càng phát triển tốt. Hiện trang trại chăn nuôi rắn của gia đình anh Thoại đã có gần 400 con rắn hổ mang, rắn ráo, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu hơn 200 triệu đồng tiền lãi.
Nhận thấy mô hình nuôi rắn của gia đình anh Thoại đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân trong huyện cũng tìm đến để học hỏi cách nuôi rắn. Được sự chia sẻ kinh nghiệm về cách xây dựng chuồng trại, giúp đỡ về giống nuôi ban đầu, nhiều hộ đã xây dựng thành công mô hình nuôi rắn và có thu nhập ổn định. Ngoài các mô hình chăn nuôi rắn, tại huyện Phú Lương, nhiều mô hình chăn nuôi ĐVHD như nhím, cá sấu, lợn rừng đã xuất hiện. Lợn rừng có chất lượng thịt ngon, tỷ lệ nạc nhiều, giá bán thường cao gấp 4 - 5 lần so với thịt lợn thường.
Huyện Phú Lương hiện có khoảng 20 trang trại, mô hình chăn nuôi ĐVHD cho hiệu quả kinh tế cao. Những con vật này vừa gần gũi với người dân địa phương, vừa dễ dàng thích nghi điều kiện về khí hậu, địa hình, nên rất thuận lợi đưa vào chăn nuôi. Hơn nữa, người chăn nuôi cũng không phải lo về thị trường tiêu thụ vì sản phẩm xuất ra là có người đến thu mua, giá bán lại cao.
* Cần nhân rộng các mô hình
Hầu hết các loài động vật như lợn rừng, cá sấu, rắn, nhím… trên địa bàn Thái Nguyên đều được gây nuôi chủ yếu thông qua sinh sản con giống. Điều đó cho thấy việc gây nuôi ĐVHD đang trở nên phổ biến và loại hình sản xuất này cần được quan tâm, quản lý theo đúng quy định. Với vai trò là cơ quan quản lý các loại động vật hoang dã, ngành kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã tích cực, chủ động tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến việc gây, nuôi, tiêu thụ sản phẩm ĐVHD tới cộng đồng.
Việc chăn nuôi ĐVHD trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ trước đến nay chưa xảy ra vấn đề phức tạp, hầu hết các hộ nuôi tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã cấp giấy chứng nhận cho 195 hộ đủ điều kiện nuôi nhốt ĐVHD, trong đó nhiều nhất là rắn (hơn 11 nghìn cá thể), nhím (hơn 1.500 cá thể), kỳ đà (158 cá thể). Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã nghiêm túc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nuôi nhốt ĐVHD làm thủ tục trại nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài ĐVHD theo quy định của pháp luật.
Nhân rộng những mô hình chăn nuôi ĐVHD đã và đang là một hướng phát triển kinh tế hứa hẹn nhiều thành công của tỉnh Thái Nguyên, từ đó góp phần đắc lực vào việc xóa đói, giảm nghèo bền vững ở những địa phương miền núi nhiều khó khăn. Điều này không chỉ tạo nên nguồn thực phẩm đa dạng cung cấp cho thị trường, mà còn nâng cao giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi, từng bước cải thiện đời sống người dân./.
Thu Phương