Nhiều hộ nông dân đã thu hoạch cho năng suất đạt từ 50 - 70 tấn/ha, lợi nhuận cao gấp 7 - 10 lần so với mô hình nuôi tôm thâm canh bình thường.
Bà Trịnh Thị Loan, ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, người đã qua nhiều vụ nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao cho biết, mô hình nuôi tôm theo phương pháp hiện đại này tính hiệu quả rất bền vững. Nhờ quy trình kỹ thuật bố trí ao nuôi có lót bạt đáy và thành ao, có nhà lưới bao che, lắp đặt hệ thống phao, ôxy đáy, có máy cho thức ăn tự động nên hạn chế thấp nhất mầm bệnh từ trong đất gây nhiễm cho tôm. Tôm lớn đồng đều và chất lượng tôm nuôi vượt trội so với nuôi tôm thâm canh trong ao đất.
Bà Loan cho biết thêm, diện tích đất nuôi tôm của gia đình có hơn 1,5 ha được bố trí gồm 8 ao nuôi, mỗi ao có diện tích 1.600 m2 cùng một hệ thống ao trữ lắng lọc, ao xử lý nước thải tuần hoàn khép kín không xả thải ra môi trường. Với diện tích này, mỗi năm được bà Loan nuôi 2 vụ tôm thẻ, đạt tổng sản lượng khoảng hơn 50 tấn tôm thương phẩm/vụ, trừ chi phí lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng/vụ.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao được tỉnh khuyến khích hộ nông dân có đủ điều kiện về đất đai, nguồn vốn nên đầu tư chuyển đổi thực hiện mô hình này để tăng thu nhập kinh tế. Mỗi năm tỉnh Trà Vinh đều dành nguồn kinh phí tương xứng cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ chuyển giao cho nông dân để phát triển nghề nuôi tôm theo hướng tiến tiến, bền vững.
Năm 2024, tỉnh có kế hoạch nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng diện tích hơn 31.000 ha. Đến nay, diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng đạt hơn 28.400 ha, sản lượng tôm sú, tôm thẻ nuôi đã thu hoạch hơn 69.730 tấn; trong đó, sản lượng tôm thẻ chân trắng thu hoạch hơn 61.960 tấn đạt hơn 74% kế hoạch năm.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tại các vùng ven biển của tỉnh có khoảng 15.000 ha nuôi thuỷ sản thâm canh theo hướng sạch, nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng.