Ô nhiễm nguồn nước
Hiện nay đang là thời điểm thu hoạch cà phê ở Sơn La, vì vậy có rất nhiều cơ sở chế biến cà phê mọc lên. Tuy nhiên, do dây chuyền sản xuất còn lạc hậu, hệ thống xử lý nước thải chưa đảm bảo, ý thức người dân chưa cao nên nhiều cơ sở đã lén lút xả thải ra môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống của bà con nhân dân trong vùng, nguy cơ ô nhiễm cao về nguồn nước đầu nguồn của thành phố Sơn La.
Người dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, Sơn La thu hoạch cà phê. |
Mới đây vào ngày 22/10, tại bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Sơn La đã kiểm tra và bắt quả tang một cơ sở chế biến cà phê đang xả nước thải chưa qua xử lý ra khu đất đồi cách đó 200 m.
Qua kiểm tra, đánh giá ban đầu của phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, 3 ao chứa nước thải của doanh nghiệp này chưa được lót nền chống thấm và không đảm bảo theo đúng quy định xử lý nước thải, có thể thẩm thấu ra môi trường xung quanh.
Được biết, những năm trước đây, trên địa bàn xã Muổi Nọi, việc một số cơ sở sơ chế cà phê gây ô nhiễm môi trường đã xảy ra nhiều lần. Mặc dù đã được lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền, xử lý, đình chỉ hoạt động, song năm nay, tình trạng này lại tái diễn.
Nghiêm trọng hơn, việc các cơ sở sản xuất, chế biến cà phê tự ý xả nước thải ra môi trường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm cung cấp cho Xí nghiệp cấp nước Sơn La bởi những cơ sở này đều đóng tại khu vực đầu nguồn nước của nhà máy.
Trong tháng 10 /2015, dù mới bước vào đầu vụ cà phê, Xí nghiệp cấp nước Sơn La đã phải dừng sản xuất 4 lần do nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề. Và mới đây vào ngày 15/11, Xí nghiệp cấp nước lại tiếp tục phải dừng hoạt động 3 ngày để xử lý do nguồn nước bị ô nhiễm bởi nước thải cà phê. Sự việc này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 11.000 hộ dân sử dụng nguồn nước trên địa bàn thành phố Sơn La .
Ông Phan Thanh Hòa, Giám đốc Xí nghiệp cấp nước số 1 Thành phố Sơn La cho biết, đơn vị đã kiến nghị nhiều năm về việc các cơ sở chế biến cà phê không xử lý nước thải trước khi đổ ra môi trường. Tỉnh Sơn La cần có các biện pháp mạnh, yêu cầu các cơ sở sản xuất cà phê phải có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo. Cơ sở nào ở quá gần nguồn nước thì phải đình chỉ, không cho tiếp tục sản xuất.
Lao đao vì giá không ổn định
Một vấn đề khác mà người trồng cà phê ở Sơn La phải đối mặt đó là đầu ra cho sản phẩm. Hàng năm cứ đến vụ thu hoạch người trồng cà phê lại thấp thỏm lo lắng bởi sự lên xuống thất thường của giá cà phê.
Gia đình chị Lê Thị Hồng ở tiểu khu Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, thành phố Sơn La có 2 ha cà phê, hàng năm cho cho thu hoạch trên 40 tấn quả tươi. Để có thu nhập từ cà phê, gia đình chị đã phải đầu tư trên 200 triệu đồng để mua sắm hệ thống máy móc chế biến quả. Tuy nhiên, vào thời điểm này giá cà phê chỉ vào khoảng 5.800 đồng/kg quả tươi, hơn 25.000 đồng/kg cà phê nhân, so với vụ cà phê trước giá chỉ bằng một nửa. Trong khi đó , tiền công thuê người hái đã là hơn 2.000 đồng/kg quả tươi, tính ra người trồng cà phê hầu như không có lãi.
Theo quy hoạch của tỉnh Sơn La, đến năm 2020, diện tích cà phê sẽ tăng lên khoảng 13.000 ha, sản lượng cà phê nhân đạt 24.000 tấn/năm. Tuy nhiên, với việc hiện nay trên 70% sản phẩm cà phê Sơn La được xuất khẩu, nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cà phê Sơn La, thì tình trạng giá cả không ổn định, người trồng cà phê vẫn thấp thỏm lo âu mỗi khi vào vụ thu hoạch sẽ còn kéo dài. |
Ngoài sự biến động của giá cả thị trường cà phê trên toàn thế giới, thì một nguyên nhân khác khiến người trồng cà phê Sơn La phải bán với giá thấp là do thiếu thông tin về giá cả. Hầu hết giá cà phê thu mua đều do các thương lái tự đưa ra, người dân không thể biết được thời điểm nào giá cà phê lên cao nhất để bán, nên nhiều hộ dân đã mất hàng chục triệu đồng vì bán không đúng thời điểm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La chỉ có một số doanh nghiệp tư nhân tham gia thu mua cà phê của người dân. Chính vì vậy, việc công bố giá cả không minh bạch, hay tình trạng các doanh nghiệp ép giá người trồng cà phê vẫn diễn ra phổ biến. Mong muốn lớn nhất của người trồng cà phê Sơn La từ nhiều năm nay là có đơn vị đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm, đồng thời cung cấp thông tin giá cả chính xác đến người dân, mặc dù vậy đến nay tỉnh Sơn La vẫn chưa thực hiện được.
Trước tình trạng này, đến nay tỉnh Sơn La mới chỉ bắt đầu chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ thành lập các hợp tác xã trồng, chăm sóc, thu mua cà phê cũng như ban hành một số chính sách bước đầu hỗ trợ người dân chứ chưa có giải pháp nào mang tính lâu dài, bền vững.
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, ngành nông nghiệp Sơn La đã tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về hỗ trợ trồng cà phê bền vững tại 3 huyện Mai Sơn, thành phố Sơn La và Thuận Châu giai đoạn 2020. Cùng với đó, thông qua các doanh nghiệp tập huấn cho bà con sản xuất cà phê an toàn, đúng quy trình để chất lượng cà phê sẽ nâng lên và như vậy sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho người dân.