OPEC đang toan tính gì?

Tại Hội nghị ở Vienna vừa qua, OPEC đã quyết định giữ nguyên sản lượng dầu mỏ bất chấp giá dầu đang lao dốc. Đằng sau quyết định này là gì? Có phải OPEC đang muốn phát động một cuộc chiến dầu mỏ chống lại Mỹ?

Bộ trưởng dầu mỏ Saudi Arabia thuyết phục thành công các nước OPEC không cắt giảm sản lượng.


Đây được xem là một quyết định mang tính chính trị của OPEC. Tổ chức gồm 12 quốc gia này hy vọng động thái sẽ khiến nhiều dự án khai thác dầu đắt đỏ của Mỹ không thu được đủ lợi nhuận và sẽ phải phá sản. Đây còn là một dấu hiệu cho thấy OPEC đang nỗ lực giành lại tầm ảnh hưởng của liên minh này đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu vốn bị đe dọa trong những năm vừa qua bởi các thế lực như Mỹ, Nga, Canada.

Tại cuộc gặp ở Vienna, các thành viên OPEC đã tranh luận rất gay gắt về việc cắt giảm hay giữ nguyên sản lượng để đối phó với việc dầu thô mất giá. Một số nước, như Venezuela và Iran, muốn OPEC (mà chủ yếu là Saudi Arabia) cắt sản lượng hòng chặn đứng đà giảm của giá dầu vì các nước này cần giá dầu ở mức cao để cân bằng ngân sách và chi tiêu chính phủ.

Trong khi đó, phát biểu với các thành viên OPEC, Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali al-Naimi tuyên bố cần phải chống lại sự bùng nổ về dầu đá phiến của Mỹ và lập luận rằng không nên cắt giảm sản lượng dầu thô hòng dìm giá mặt hàng này và làm các nhà sản xuất dầu Bắc Mỹ mất lợi nhuận.

Đây có lẽ là một lập luận rất hợp lý vì nó có tầm nhìn chiến lược khiến các thành viên như Nga, Iran, Venezuela sẵn sàng chấp nhận từ bỏ lợi ích trước mắt để theo đuổi. Bộ trưởng Naimi trấn an các thành viên rằng giá dầu sẽ khôi phục trở lại khi cầu năng lượng tăng lên và ông nhấn mạnh rằng việc cắt giảm sản lượng sẽ khiến OPEC mất thị phần.

Cuối cùng, lý lẽ trên của ông Naimi và áp lực của vị thế nước sản xuất dầu lớn nhất OPEC đã giành được chiến thắng trước mong muốn cắt giảm sản lượng của các thành viên nghèo hơn của liên minh. Các nước này đã không chuẩn bị cho một sự cắt giảm sản lượng quy mô lớn và đã lựa chọn giải pháp không xung đột với Saudi Arabia cùng những đồng minh vùng Vịnh giàu có của nước này.

Để lý giải thêm cho lập trường của Saudi Arabia, cần nhớ lại những năm 1980 khi dầu rớt giá và vương quốc dầu mỏ này đã cắt giảm sản lượng để đẩy giá lên nhưng kết quả không như mong đợi: giá dầu vẫn lao dốc còn Saudi Arabia mất thêm thị phần. Hơn nữa, vương quốc vùng Vịnh này đã phát đi thông điệp rằng họ có thể sống tốt với giá dầu quanh mốc 80 USD/thùng trong ngắn hạn nhờ nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào (khoảng 700 tỷ USD).

“Chúng tôi sẽ sản xuất 30 triệu thùng/ngày trong 6 tháng tới và sẽ quan sát xem thị trường phản ứng thế nào”, Tổng thư ký của OPEC Abdalla el-Badri phát biểu sau cuộc họp tại Vienna. Quyết định đó cho thấy dường như OPEC đang muốn phát động cuộc chiến giá dầu với Mỹ, quốc gia đang đi đầu trong việc khai thác dầu đá phiến.

Nhìn sơ bộ, trong cuộc chiến này, OPEC đang tạm có ưu thế vì chi phí sản xuất dầu, đặc biệt như tại Saudi Arabia và Kuwait là rất thấp (Saudi Arabia chỉ tốn 4-6 USD để sản xuất 1 thùng dầu). Trong khi đó, theo tính toán của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), để phân tách được 1 thùng dầu từ đá phiến sét tốn khoảng 50-100 USD.
Do vậy, nếu giá dầu tiếp tục giảm, một số hãng dầu của Mỹ có thể sẽ lỗ và phải ra khỏi cuộc chơi. Kết quả là giá dầu sẽ được ổn định trở lại và OPEC duy trì được thị phần dầu mỏ đang chiếm 40% của thế giới.

Chơi con bài chính trị luôn là một phần hoạt động của OPEC, đơn giản bởi vì sự thành công của dầu đá phiến của Mỹ là một thách thức đối với tổ chức này, Patrick Young, Giám đốc điều hành của DV Advisors chia sẻ với tờ Nước Nga ngày nay. Tập đoàn dầu mỏ tư nhân lớn nhất Nga Lukoil cảnh báo quyết định của OPEC sẽ là một đòn đánh mạnh vào thị trường dầu đá phiến Mỹ, vốn chỉ sẽ không có lời khi dầu thô ở mức 70-80 USD/thùng.

“Năm 2016, khi OPEC thực hiện được mục tiêu đối với người Mỹ, giá dầu sẽ tăng trở lại. Kẻ mạnh sẽ tồn tại và kẻ yếu sẽ bật khỏi cuộc chơi”, hãng tin Bloomberg dẫn lời Leonid Fedun, thành viên ban quản trị của Lukoil, dự báo.

(Còn tiếp)


Thái Nguyễn
OPEC thiệt hại nặng do giá dầu giảm mạnh
OPEC thiệt hại nặng do giá dầu giảm mạnh

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn do giá dầu mỏ giảm khiến nhiều nước thành viên, thậm chí không phải thành viên OPEC thiệt hại nặng nề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN