Ngành năng lượng Mỹ đang có một cuộc giằng co với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) liên quan tới giá dầu và Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu sẽ nhường nhịn.Quyết định của OPEC hôm 27/11 tại Vienna (Áo), không cắt giảm sản lượng khai thác dầu, được cho là một nỗ lực nhằm tạo trở ngại cho việc khai thác dầu bùng nổ của Mỹ. OPEC cho rằng bằng việc giá dầu giảm sâu, các nhà sản xuất dầu ở Bắc Mỹ sẽ sụp đổ.
Một địa điểm khai thác dầu mỏ ở Bakersfield, bang California. Ảnh: Bloomberg. |
Cả hai phía đều cảm nhận được tình huống đáng lo ngại khi giá dầu ở dưới mức 70 USD/thùng. Tuy nhiên hiện nay Mỹ đang sản xuất ra lượng dầu thô lớn nhất trong 30 năm trở lại đây, với sản lượng hơn 11 triệu thùng trong quý đầu năm 2014, và giá cả chưa đến mức tồi tệ nhất đối với nước này.
Xuống thấp đến mức nào?
Các công ty khai thác dầu Mỹ đang tiếp tục kiếm được lợi nhuận ngay cả khi giá dầu giảm sâu. Theo như một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong tháng 11, hầu hết các nhà sản xuất ở khu vực Bakken, bang Bắc Dakota, vùng trọng điểm của cuộc cách mạng khai thác dầu của Mỹ có thể duy trì lợi nhuận ngay cả khi giá dầu giảm đến mức 42 USD/thùng.
Ông Per Magnus Nysveen thuộc công ty tư vấn Rystad Energy nhận xét: “Các nhà sản xuất Mỹ có sự kiên cường đáng ngạc nhiên. Họ sẽ tiếp khoan dầu cho đến khi có tiền chảy về”.
Trên thực tế, một số công ty sẽ gặp rắc rối, những công ty vay vốn nhiều để khai thác thường rất mẫn cảm với việc phá sản hoặc bị thâu tóm bởi một công ty lớn hơn. Nhưng nhiều nhà phân tích dự đoán rằng ngành công nghiệp khai thác dầu sẽ tiếp tục phát triển trong năm tới ở một mức độ ôn hòa hơn.
Kịch bản lặp lại năm 1986Năm 1986 từng xảy ra một sự kiện biến động trong thị trường dầu mỏ, sau một thời gian dài OPEC sản xuất cầm chừng và giá dầu tăng cao thì bất ngờ Saudi Arabia đột ngột tăng sản lượng khai thác, khiến giá giảm sâu.
Động thái bất ngờ của Saudi Arabia khiến nhiều công ty khai thác dầu ở bang Texas, Oklahoma và Louisiana (Mỹ) phá sản do không thể bắt kịp với mức giá thấp. Điều này đồng thời còn mở ra cơ hội để Riyadh có thêm nhiều thị phần.
Nhưng nhà phân tích Phil Flynn tại Chicago lại nhận định rằng ở thời điểm này mọi thứ hoàn toàn khác biệt. Theo đó, lợi thế công nghệ trong việc khai thác đã dẫn tới thời kỳ bùng nổ sản lượng dầu mỏ tại Mỹ và chi phí khai thác cũng không quá cao. Ông Flynn bổ sung: “Đây không phải là thập kỷ 80 và cũng không phải là thị trường những năm 80".
Khó khăn trong chính OPEC
Điều tốt cho một số quốc gia cho OPEC không hẳn có lợi cho những quốc gia còn lại. Với tư cách là nhà sản xuất lớn nhất và quyền lực nhất trong tổ chức, Saudi Arabia có thể cầm cự được trong khoảng thời gian giá dầu trở nên yếu đi.
Nhưng tình thế trở nên khác biệt một cách rõ ràng đối với Iran, nơi nền kinh tế vốn gặp nhiều trở ngại từ các lệnh trừng phạt liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này.
Bên cạnh đó, hãng tin Reuters từng trích lời kêu gọi của Tổng thống Venezuela Nicholas Maduro về việc cắt giảm sản lượng để giá dầu quay trở lại mức 100 USD/thùng. Vậy nhưng ông Nysveen ước tính rằng sẽ mất 5 năm để giá dầu quay trở lại mức trên.
Trong khi đó nhà phân tích Phil Flynn nhận xét: “Có rất nhiều quốc gia OPEC sẽ không còn khả năng duy trì mức giá thấp. Điều đó sẽ gây khó khăn trong nội bộ tổ chức này”.
Hà Linh (Theo CNN)