Thưa ông, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 mới được công bố có những điểm gì nổi bật?
Điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 cho chúng ta con số đáng chú ý.
Theo đó, chất lượng điều hành của các tỉnh tiếp tục được cải thiện, nhóm các tỉnh cuối bảng xếp hạng PCI đang được cải thiện mạnh mẽ; ngược lại nhóm những tỉnh dẫn đầu có xu hướng chững lại. Do đó, khoảng cách giữa tỉnh dẫn đầu và xếp cuối trong bảng xếp hạng PCI gần nhau hơn. Điều tra PCI 2023 cũng có điểm mới là lần đầu tiên trong 19 năm tiến hành, tỉnh cuối bảng xếp hạng đã vượt số 60/100 điểm, đây là lần đầu tiên trong 19 năm tiến hành điều tra PCI.
Cùng với đó, trong bối cảnh chung, chúng tôi ghi nhận tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tương đối khó khăn. Về triển vọng kinh doanh thời gian tới, kết quả điều tra cho thấy con số tương đối thấp, thấp nhất trong 19 năm điều tra PCI. Đây cũng chính là thông điệp cho chính quyền địa phương, bộ ban ngành, về việc cần phải có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ, hiệu quả, thực chất hơn nữa.
Nếu đi sâu vào các chỉ số thành phần PCI, thì chi phí rủi ro gia nhập thị trường có xu hướng cải thiện tích cực, điều này là minh chứng cho việc công tác cải cách hành chính được cải thiện, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính đang phát huy hiệu quả.
Cùng với đó, chi phí dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp cũng là điểm sáng thời gian qua. Qua khảo sát, thì dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường… được triển khai tương đối hiệu quả.
Ngoài ra, chi phí không chính thức đã được cải thiện và đây là quá trình cải thiện liên tục trong vòng 7 năm vừa qua. Trong điều tra PCI có câu hỏi rất quan trọng là "doanh nghiệp có thường xuyên phải chi trả chi phí không chính thức hay không?". Nếu như kết quả điều tra năm 2016, có tới hơn 66% doanh nghiệp cho biết có phải trả chi phí này; thì năm 2023 là 33,3%, tức là giảm gần 1 nửa so với trước. Đáng chú ý, việc giảm chi phí không chính thức này đều đặn theo từng năm và ở khắp các tỉnh thành phố, trong cả cảm nhận của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này thể hiện công cuộc phòng chống tham nhũng, chống nhũng nhiễu, tăng minh bạch của chúng ta đã có hiệu quả. Tôi mong rằng xu hướng này sẽ càng tiếp tục rõ nét hơn.
Tuy nhiên, tiếp cận đất đai vẫn là trở ngại cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Kết quả khảo sát ghi nhận, tỷ lệ doanh nghiệp không gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh đã liên tục giảm từ 55,2% năm 2021 xuống 48% năm 2022 và xuống 40,7% năm 2023. Các rào cản liên quan đến thủ tục đất đai, bao gồm: Thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính dài hơn so với thời gian quy định (64%), cán bộ tiếp nhận hồ sơ không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ (46%) và quy trình, thủ tục giải quyết không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định (46%). Đáng lưu ý là gần 73% doanh nghiệp cho biết, họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai, cao hơn đáng kể so với mức 42,9% của năm 2022 và 53,9% năm 2021.
Chúng tôi rất hi vọng quá trình thực hiện Luật Đất đai 2024 và các Nghị định hướng dẫn sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024 sẽ giải quyết được những vấn đề này.
Cùng với đó, chỉ số tính năng động, tiên phong của chính quyền địa phương đang có chiều hướng đi xuống, chúng tôi cũng mong có nhiều giải pháp xốc lại tinh thần này, làm sao cho tính thần dám nghĩ, dám làm, tính năng động tiên phong, tạo lập môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Thưa ông, trong bảng xếp hạng chỉ số PCI năm nay, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xếp hạng thứ 27 và 28 trong TOP 30 doanh nghiệp dẫn đầu, Hà Nội tụt hạng 8 bậc, ông bình luận gì về điều này?
Với những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, việc cải cách không hề dễ dàng, bởi số lượng doanh nghiệp đông và rất “khó tính”. Chúng tôi cho rằng, để đáp ứng được sự hài lòng của doanh nghiệp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là điều khó. Cùng với đó, mọi quá trình thay đổi cải cách cần thời gian để có những chuyển biến rõ rệt hơn. Nếu so với trước đây, Hà Nội đã có nhiều thay đổi, nhiều tích cực. Tuy nhiên, thứ hạng thì còn liên quan đến nhiều địa phương khác.
Đặc biệt, về vấn đề tiếp cận đất đai, để doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, tiếp cận đất đai thuận lợi ở đô thị lớn, là điều rất khó. Vì vậy, chúng tôi mong muốn thời gian tới, các thành phố lớn cần quan tâm hơn đến vấn đề này. Bên cạnh những dự án lớn thì đối với doanh nghiệp nhỏ, vấn đề tiếp cận đất đai cũng rất quan trọng.
Cùng với đó, tính minh bạch hay chi phí không chính thức là những lĩnh vực mà các thành phố lớn cần chú trọng nhiều hơn. Bên cạnh việc chú trọng công nghệ thông tin thì chúng tôi thấy rằng có mức độ tương tác, đối thoại, phản hồi với doanh nghiệp ở nhiều cấp, nhiều ngành sẽ giúp cho môi trường kinh doanh cởi mở và thông thoáng hơn.
Theo ông, đâu là dư địa mà các địa phương có thể cải cách trong thời gian tới?
Báo cáo năm nay tiếp tục ghi nhận và phản ánh những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các doanh nghiệp trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2022 về tiếp cận tín dụng, tìm kiếm mặt bằng kinh doanh, tìm kiếm nhà cung cấp, tìm kiếm nhân sự, thực hiện thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, biến động thị trường, biến động chính sách pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo thực hiện hợp đồng, và thiên tai, biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp càng cần được đẩy mạnh, tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn. Chúng tôi thấy doanh nghiệp luôn kỳ vọng và đánh giá cao tinh thần hỗ trợ của địa phương. Chẳng hạn vấn đề phòng cháy chữa cháy như năm ngoái, nhiều địa phương còn khó khăn, có địa phương giải quyết rốt ráo, giải quyết hiệu quả. Hay với vấn đề tiếp cận vốn, việc chủ động thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn cũng có sự khác biệt giữa các địa phương khác nhau. Do đó, sự chủ động, tích cực của các địa phương cần được đẩy mạnh hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nhiều sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương
Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với 10.676 doanh nghiệp, có 82,1% doanh nghiệp được khảo sát cho biết UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân. Dù đây là tỷ lệ rất cao, song so với mức 86% của năm 2022, sự giảm sút trong cảm nhận của doanh nghiệp về tính linh hoạt của chính quyền địa phương là có.
Tương tự, 77,1% doanh nghiệp vẫn ghi nhận sự năng động, sáng tạo của UBND tỉnh trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh. Tỷ lệ này cũng giảm so với mức 79,7% của năm 2022. Đáng lưu ý, 51,5% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”, tăng từ con số 50,4% của năm 2022.
Chỉ 40,8% doanh nghiệp quan sát thấy “chủ trương, chính sách của tỉnh, thành phố đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động là ổn định và nhất quán” vào năm 2023, giảm đáng kể từ con số 50% năm 2022 và 53,4% năm 2021.