Phân cấp phân quyền quản lý đường bộ

Cả nước hiện có 610.000 km đường bộ, trong đó đã phân quyền quản lý đường tỉnh, đường huyện gần 590.000 km. Trong số 25.000 km quốc lộ đã ủy quyền cho các Sở GTVT quản lý 13.000 km.

Tách bạch quản lý

Nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo phân cấp, phân quyền mạnh mẽ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại hội thảo quản lý đường bộ mới đây của Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam xây dựng lại chức năng, nhiệm vụ theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương quản lý quốc lộ, để nâng cao chất lượng và hiệu quả, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác phân cấp, phân quyền.

Chú thích ảnh
Đẩy mạnh phân cấp phân quyền quản lý đường bộ cho các địa phương.

Từ năm 2024, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ chỉ tập trung quản lý các quốc lộ chính yếu và phân cấp cho các Sở GTVT quản lý các tuyến thứ yếu. Đơn vị được phân cấp, phân quyền sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trong quản lý tuyến đường. Đơn cử, tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã được phân cấp quản lý toàn bộ quốc lộ trên tại địa phương, tới đây cần nhân rộng mô hình này.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, tới đây, Cục sẽ không ủy quyền cho Sở GTVT các địa phương mà phân cấp cho UBND tỉnh quản lý. Trong số 12.000 km quốc lộ Cục đang trực tiếp quản lý, có 2.000 km thuộc các dự án BOT. Số 10.000 km còn lại, Cục sẽ rà soát, tuyến nào trong nội bộ của tỉnh sẽ phân cấp cho địa phương quản lý.

Riêng năm 2023, Cục Đường bộ Việt Nam được giao gần 12.000 tỷ đồng để bảo trì quốc lộ. Hết năm, Cục đã nghiệm thu hoàn thành gần 9.600 tỷ đồng, đạt hơn 79%, đã giải ngân hơn 10.100 tỷ đồng, đạt 84%, đảm bảo giải ngân 100% dự toán chi năm 2023.

Qua tìm hiểu, nhiều dự án đường bộ tại các địa phương thời gian qua, Cục Đường bộ Việt Nam đã ủy quyền cho Sở GTVT địa phương thực hiện và đạt hiệu quả khai thác tốt. Điển hình như các dự án: Nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn tỉnh Lạng Sơn xóa "điểm đen" đảm bảo an toàn giao thông hay cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ vừa đưa vào khai thác do địa phương thực hiện, đã về đích đúng tiến độ, vượt kế hoạch đề ra... 

Các chuyên gia giao thông cho rằng, việc đường quốc lộ tại các địa phương phân cho địa phương quản lý là hợp lý. Cục Đường bộ Việt Nam chỉ nên quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải. Khi địa phương trực tiếp quản lý đường bộ, nhất là các tuyến quốc lộ sẽ sâu sát, đảm bảo tiến độ bảo trì, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, do tại địa bàn nắm rõ hơn tình trạng xuống cấp của các tuyến đường.

Đưa phân cấp phân quyền quản lý đường bộ vào luật

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục đã đưa các quy định về phân cấp, phân quyền cho địa phương quản lý quốc lộ vào dự thảo Luật Đường Bộ. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cục Đường bộ Việt Nam được Bộ GTVT giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật Đường bộ, Bộ Công an chủ trì xây dựng Luật Trật tự An toàn giao thông trình Chính phủ xem xét, lấy ý kiến nhân dân và các thành viên Chính phủ, trong đó thể hiện rõ các nội dung phân cấp, phân quyền trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ.

Cụ thể, đối với hệ thống đường địa phương, dự thảo Luật Đường bộ tiếp tục phân quyền toàn bộ các địa phương sẽ tiếp tục quản lý, bảo trì, khai thác trên 95,6% so với tổng chiều dài đường bộ cả nước. Tỷ lệ này sẽ còn tăng lên trong quá trình xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Với quốc lộ và cao tốc sử dụng vốn của Trung ương, dự thảo Luật Đường bộ đã được Cục tham mưu Bộ GTVT chấp thuận theo hướng giao ngành GTVT quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng và bảo trì đối với quốc lộ; UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, vận hành khai thác, sử dụng và bảo trì hệ thống đường địa phương; quốc lộ được phân cấp trong trường hợp bảo đảm được nguồn lực thực hiện.

Liên quan đến việc đấu nối đường địa phương vào quốc lộ, Bộ GTVT cũng đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 117/CP. Theo đó, UBND cấp tỉnh toàn quyền quyết định danh mục điểm đấu nối đường của tỉnh vào quốc lộ. 

Vân Sơn/Báo Tin tức
Mức thu phí đường bộ mới áp dụng từ ngày 1/2/2024
Mức thu phí đường bộ mới áp dụng từ ngày 1/2/2024

Theo Nghị định số 90/2023/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành, từ ngày 1/2/2024, sẽ có 8 mức thu phí đường bộ cho ô tô theo tải trọng và ghế ngồi, thấp nhất từ 130.000 đồng đến 1.430.000 đồng (trừ xe của lực lượng công an, quốc phòng).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN