Phân rõ trách nhiệm trong dự án đầu tư công

Quy trách nhiệm cho ai khi dự án đầu tư công không hiệu quả, đây là vấn đề khó đối với những người xây dựng dự án Luật Đầu tư công.


Phải quy trách nhiệm cụ thể


Sáng qua (11/4), các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Đầu tư công, dự kiến luật này sẽ được thông qua trong chương trình kỳ họp Quốc hội (QH) diễn ra vào tháng 5/2014.


Hiện nay, những dự án đầu tư công lớn sẽ được thông qua chủ trương đầu tư bằng việc bỏ phiếu của các đại biểu QH. Các dự án nhỏ được Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp thông qua chủ trương đầu tư.

“Nhiều địa phương xếp các dự án phòng chống thiên tai vào loại đầu tư theo dạng khẩn cấp. Thực tế, các công trình khẩn cấp chưa có tiêu chí rõ ràng. Nếu bỏ qua hàng loạt các khâu thẩm định, tư vấn, giám sát nhà thầu… thì rất dễ gây ra tiêu cực. Do đó, cần quy định rõ ràng vấn đề này”.

 Đại biểu Lê Đình Khanh, Hải Dương


Từ chủ trương đầu tư, các cơ quan hành pháp, hành chính như: Chính phủ, UBND các cấp sẽ thực hiện đầu tư dự án. Như vậy, câu hỏi đặt ra là khi dự án đầu tư sai, không đem lại hiệu quả, gây lãng phí tài sản của Nhà nước thì ai sẽ chịu trách nhiệm. Vì việc thông qua chủ trương đầu tư là của tập thể đại biểu QH, HĐND các cấp. Do đó, việc xây dựng luật sát với thực tế, có hiệu quả vẫn đang là bài toán khó đối với các đại biểu QH.


Đại biểu Ngô Văn Minh, Quảng Nam cho rằng, người quyết định chủ trương sai là cái gốc của thất thoát và tham nhũng.


“Ví dụ, dự án đầu tư thủy điện Đắc Mi 4 trên sông Vu Gia đang được dư luận quan tâm vì đầu tư không hiệu quả đã gây lãng phí về chi phí đầu tư và gây ra tình trạng thiếu nước cho khu vực hạ du sông Vu Gia”, ông Minh cho biết.


Ông Minh đặt câu hỏi: “Trách nhiệm đối với dự án thủy điện này cần làm rõ từ khâu tư vấn, khảo sát. Đặc biệt, cần làm rõ trách nhiệm trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư. Những cơ quan, đơn vị nào gây trách nhiệm trong việc đầu tư sai cần được xử lý”.


Cùng quan điểm trên, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc phân định rõ trách nhiệm của người đưa ra quyết định, chủ trương đầu tư là rất khó.


“Ví dụ, đối với việc nạo vét sông Hậu, Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH đã thẩm tra. Tuy nhiên, không biết năm nay nạo vét thì năm sau sẽ có phải nạo vét không. Hay việc xây dựng sân bay Long Thành, nếu đầu tư không hiệu quả thì vẫn chưa rõ sẽ quy trách nhiệm như thế nào”, ông Đương nói.


Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Quyết định chủ trương đầu tư là do cơ quan dân cử như: QH, HĐND. Quyết định dự án đầu tư là của thủ trưởng các đơn vị có thể là: Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp. Tùy theo tính quan trọng của dự án, từ đó làm các thủ tục rồi triển khai. Nếu việc quyết định chủ trương đầu tư sai thì phải sửa, không thể kỷ luật cả tập thể đại biểu QH, HĐND”.


Để làm rõ trách nhiệm trong vấn đề này, một đại biểu của tỉnh Vĩnh Long cho rằng, khi một dự án đầu tư sai, trước hết các cơ quan dân cử phải nhận lỗi trước dân. Còn các cơ quan hành pháp, hành chính đề xuất, thiết lập dự án phải chịu trách nhiệm nếu dự án được thực hiện không đúng với thực tế. Như vậy, sẽ giảm được tình trạng dự án đầu tư sai không ai chịu trách nhiệm.


Tăng cơ chế giám sát cho dân


Đại biểu Đỗ Văn Đương cho biết: “Việc giám sát từ cộng đồng nếu chỉ đứng bên ngoài nhìn vào thì không thể biết được ‘bệnh tật’ bên trong của dự án như thế nào. Do vậy, cộng đồng phải có quyền được cung cấp thông tin về dự án đầu tư công. Khi phát hiện sai phạm, họ có quyền kiến nghị, các cơ quan thực hiện dự án phải có trách nhiệm trả lời thắc mắc của dân”.


Đa số các đại biểu cho rằng, giám sát cộng đồng là chủ trương cần thiết và hiệu quả. Ở nhiều vùng nông thôn, những công trình giao thông nông thôn có giám sát cộng đồng thì hiệu quả rất tốt. Do vậy, cần xây dựng cơ chế tham khảo ý kiến nhân dân.


Tuy nhiên, đại biểu Lê Đắc Lâm - Bình Thuận băn khoăn: “Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố thí điểm mô hình không tổ chức HĐND cấp huyện cấp xã thì đơn vị nào sẽ đưa ra chủ trương đầu tư. Do vậy, cần nghiên cứu vấn đề này này”.


Về dự án Luật Đầu tư công, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Các cơ quan soạn thảo cần rà soát lại các lĩnh vực đầu tư công, phân loại các dự án đầu tư theo tính chất, tiêu chí phù hợp theo hướng tăng cường phân cấp mạnh cho các cấp địa phương. Muốn xử lý trách nhiệm cá nhân thì cần rà soát lại thẩm quyền quyết định, nghiên cứu quyền hạn, trách nhiệm từ QH, Thủ tướng, Chính phủ, HĐND các cấp”.


Kết thúc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Ban soạn thảo phải phối hợp với các cơ quan khác để cùng hoàn thiện các dự án luật này. Đảm bảo tính thống nhất của các văn bản pháp luật. Đảm bảo luật thực sự đi vào cuộc sống, tôn trọng quyền và nghĩa vụ của công dân. Vì thông qua một dự án luật sai có khi còn tác hại hơn không ra luật”.


H.V

Thêm cơ chế minh bạch trong tái đầu tư công
Thêm cơ chế minh bạch trong tái đầu tư công

Việc nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý nguồn vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ trong chương trình tái đầu tư công sẽ được Chính phủ quyết tâm thực hiện trong thời gian tới, bằng việc chuyển kế hoạch đầu tư hàng năm sang đầu tư trung hạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN