'Phao cứu sinh' để hợp tác xã phát triển

Mặc dù chuyển đổi số là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của hợp tác xã nhưng thực tế đây vẫn là khái niệm khá mới với khu vực kinh tế này. Vì vậy, bên cạnh những mô hình chuyển đổi số thành công, vẫn còn nhiều hợp tác xã đang loay hoay tự bơi. Nhiều ý kiến cho rằng những chính sách hỗ trợ kịp thời được ví như phao cứu sinh giúp khu vực hợp tác xã chuyển đổi số hiệu quả và bền vững hơn.

Chú thích ảnh
Ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đã đạt nhiều kết quả tích cực nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc và ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN

Chật vật chuyển đổi

Sau 2 năm dịch COVID-19 kéo dài, để thích ứng với bối cảnh này nhiều hợp tác xã đã chủ động thay đổi để vượt qua khó khăn; trong đó có ứng dụng chuyển đổi số. Thế nhưng, không ít hợp tác xã vẫn gặp rào cản nhất định trong thực hiện.

Bà Lâm Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Hợp tác xã Suối Giàng, tỉnh Yên Bái cho biết, từ kinh nghiệm thực tế sau 3 năm chuyển đổi số, bằng việc tự mày mò tìm hiểu, áp dụng công nghệ, hợp tác xã nhận thấy nếu tự bơi sẽ không thể chuyển đổi số thực chất và toàn diện. Do đó, hợp tác xã rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng cả về nhân lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Cụ thể như việc ưu tiên xây dựng đội ngũ nhân lực về công nghệ thông qua chính sách đào tạo hoặc hệ thống phần mềm cho hợp tác xã tích hợp nhiều hạng mục thay vì riêng rẽ. Như vậy, chỉ khi kết hợp đồng bộ các giải pháp mới thúc đẩy hợp tác xã chuyển đổi số.

Tương tự, bà Dương Thị Anh Xuân - Giám đốc Hợp tác xã Rau sạch Hà Hồi, Thường Tín, Hà Nội chia sẻ, việc áp dụng chuyển đổi số nền tảng thương mại điện tử đang gặp nhiều khó khăn với các hợp tác xã quy mô nhỏ, đặc biệt với sản xuất, tiêu thụ rau quả.

Theo bà Dương Thị Anh Xuân, do đây là mặt hàng phải bảo quản mát và đảm bảo độ tươi xanh đến tận tay người tiêu dùng và nếu muốn xuất khẩu lại phải tìm các doanh nghiệp trung gian vì hợp tác xã  nhỏ với năng lực sản xuất có hạn khó có thể đáp ứng.

Không những thế, nếu muốn chuyển hướng bán hàng trên sàn điện tử, các hợp tác xã phải đầu tư thêm nhiều máy móc, khâu đóng gói, bảo quản...

“Dù Hợp tác xã Rau sạch Hà Hồi đã thành lập một website phân phối sản phẩm cho các nhà hàng, siêu thị có nhu cầu nhưng chưa vận hành được nhiều, hầu hết vẫn tập trung bán cho các chợ đầu mối như trước kia”, bà Dương Thị Anh Xuân bày tỏ.

Cùng chung quan điểm này, đại diện các hợp tác xã cho rằng còn rất nhiều những khó khăn họ đang vướng mắc như: Chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao. Đáng lưu ý, một trong những khó khăn này là do tác động từ dịch COVID-19 khiến khu vực kinh tế này sụt giảm doanh thu, thiếu hụt nguồn vốn, ảnh hưởng đến chi phí đầu tư cũng như triển khai, duy trì các giải pháp chuyển đổi số.

Ngoài ra, một rào cản cố hữu đối với các hợp tác xã là thay đổi thói quen, tập quán sản xuất kinh doanh. Hiện tại, dù đã có một số hợp tác xã tích hợp phần mềm ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhưng vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn, hoặc chỉ đưa vào một phần nào đó của quy trình.

Không những thế, với nguồn lực hạn chế, thiếu thông tin và hạ tầng nên nhiều mô hình hợp tác xã chỉ có một vài thành viên ứng dụng công nghệ khiến mục tiêu chuyển đổi số của hợp tác xã vẫn chưa theo kịp thực tiễn.

Biến chuyển ban đầu

Thống kê từ cuộc khảo sát ngẫu nhiên tại 9 tỉnh thuộc cả 3 miền Bắc, Trung và Nam của cả nước cho thấy, có gần 6% hợp tác xã tham gia khảo sát trả lời không biết sử dụng công nghệ thông tin như soạn thảo văn bản, sử dụng các phần mềm, ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Ngoài ra, có tới 47,5% số hợp tác xã trả lời biết về công nghệ nhưng không thành thạo và chỉ có 6,5% hợp tác xã có thể sử dụng thành thạo chuyển đổi số.

Không những thế, chỉ có 4/40 hợp tác xã thử nghiệm ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản.

Đáng lưu ý, cản trở lớn là trình độ công nghệ của ban lãnh đạo và cán bộ hợp tác xã còn hạn chế, phần lớn chỉ sử dụng máy tính ở các tác vụ cơ bản... Đây là nguyên nhân dẫn đến quy cách làm việc rập khuôn, thiếu sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh và cho năng suất không cao.

Hiện tại, hầu hết các hợp tác xã đều chưa tiếp cận với các ứng dụng bán hàng trực tuyến thịnh hành hiện nay như Shopee, Sendo, Lazada… dù đây là giải pháp đầu ra giàu tiềm năng với khu vực kinh tế này.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng việc thực hiện chuyển đổi số đối với hợp tác xã không hề đơn giản bởi đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện ứng dụng công nghệ để tạo thêm những giá trị gia tăng.

Hơn nữa, thành viên hợp tác xã vốn là những người nông dân đang thiếu kiến thức, thiếu nền tảng, thiết bị công nghệ, thiếu vốn và ngại thay đổi. Do đó, để việc ứng dụng công nghệ số của hợp tác xã thuận lợi hơn cần sự phối hợp đồng bộ.

Là một trong những mô hình chuyển đổi số thành công, Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, Hà Nội mỗi ngày cung ứng cho thị trường khoảng 70 tấn rau củ quả các loại.

Với công nghệ tưới bán tự động được hợp tác xã áp dụng triệt để trên gần 40 ha canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp tiết giảm công lao động và kiểm soát chất lượng nguồn nước cung cấp cho sinh trưởng, phát triển của rau củ quả.

Theo ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, bên cạnh công nghệ tưới, việc ghi chép thông tin mùa vụ và chế độ chăm sóc rau củ quả cũng như giao dịch hàng hóa là những khâu quan trọng đã được hợp tác xã tích hợp sang công nghệ số.

Ông Nguyễn Tiến Phong - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội nhấn mạnh, bằng chuyển đổi số các đơn vị thành viên của hợp tác xã đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó mang lại nguồn thu lớn hơn cho hợp tác xã.

Chính vì vậy, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tư vấn, hướng dẫn các chủ thể đưa sản phẩm lên Postmart.vn nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hoàn toàn miễn phí cho các hợp tác xã.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định chuyển đổi số là động lực phát triển.

Do đó, chuyển đổi số trong khu vực hợp tác xã sẽ là công cụ phục vụ đắc lực cho nông dân, các doanh nghiệp nhỏ, giúp các hợp tác xã sản xuất kinh doanh bền vững hơn theo xu thế thời đại.

Nhằm hỗ trợ các hợp tác xã, tới đây Liên minh Hợp tác xã xây dựng Đề án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ các hợp tác xã theo từng bước cụ thể và tổ chức đào tạo về chuyển đổi số cho các hợp tác xã trong sản xuất, kinh doanh.

“Đặc biệt, chính thành viên hợp tác xã sẽ trở thành giảng viên đào tạo cho hợp tác xã trong khu vực”, ông Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Uyên Hương (TTXVN)
Đồng Nai thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã nông nghiệp
Đồng Nai thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã nông nghiệp

Ngày 26/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị gặp gỡ thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn của tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN