Tại sự kiện này, Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam hỗ trợ huyện Mộc Châu trồng 2.200 cây lát xanh tại Khu Du lịch sinh thái Thác Dải yếm.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Vũ Xuân Thôn, Trưởng ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2018 là năm thành công rực rỡ của ngành lâm nghiệp, cả về chỉ tiêu trồng rừng và xuất khẩu gỗ, lâm sản. Trên cơ sở thành công đó, năm 2019, ngành lâm nghiệp đẩy mạnh thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển rừng; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, gắn doanh nghiệp với chủ rừng, người trồng rừng nhằm gia tăng giá trị của rừng, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
"Các dự án phải tập trung hỗ trợ các địa phương xây dựng các mô hình thí điểm, trên cơ sở đó rút ra quy trình, chính sách nâng cao thu nhập từ rừng, để rừng thực sự là rừng vàng.", ông Vũ Xuân Thôn nhấn mạnh.
Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam do USAID tài trợ đang hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững. Giai đoạn đầu của dự án (2012-2018) đã giúp đưa các chính sách và chiến lược quốc gia vào thực tiễn để đối phó với biến đổi khí hậu, tập trung vào các lĩnh vực lâm nghiệp và nông nghiệp, giảm thiểu rủi ro thiên tai và tăng cường sinh kế.
Từ năm 2018, giai đoạn 2 của dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực chi trả dịch vụ môi trường rừng - là một hợp phần quan trọng trong các chương trình lâm nghiệp ở Việt Nam - để trở thành một công cụ hiệu quả nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường của đất nước.
Hiện hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng của Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam đang hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam nhằm cải thiện hệ thống chi trả dịch vụ môi trường rừng thông qua 3 hệ thống cải tiến gồm: Chi trả với phương thức thanh toán điện tử; Hệ thống giám sát và đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng; Cơ chế chính sách để phát triển nguồn thu chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Sau 8 năm triển khai, hệ thống chi trả dịch vụ môi trường rừng của Việt Nam đã trở thành một ví dụ quốc tế về cách huy động các nguồn lực trong nước để cải thiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đến tháng 12/2017, chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo ra hơn 8.000 tỷ đồng (tương đương 350 triệu USD) để hỗ trợ quản lý và bảo vệ 5,98 triệu ha rừng, tương đương gần 50% tổng diện tích rừng tại Việt Nam. Các khoản thanh toán này đã được thực hiện với hơn 400.000 hộ gia đình.