Phát huy vai trò bộ lọc chặn đứng nạn giả mạo thương hiệu

Trong thời gian qua, thị trường liên tục chứng kiến các thương hiệu lớn bị phát hiện cắt mác Trung Quốc để gắn thương hiệu Việt.

Trước thực tế này, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm bảo vệ người dân cũng như thương hiệu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, không ít trường hợp vi phạm đã bị phát hiện, thậm chí nhiều thương hiệu phải trả giá bằng việc biến mất khỏi thị trường.

Chú thích ảnh
 Lực lượng chức năng tiến hành kiểm đếm, niêm phong toàn bộ hàng hoá có dấu hiệu vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ảnh: TTXVN phát

Tiếng chuông cảnh tỉnh

Khởi nguồn cho sự việc này khi cách đây hai năm thị trường đã xôn xao và tỏ ra bất an trước việc thương hiệu Khaisilk đã lừa dối khách hàng nhập khẩu khăn lụa từ Trung Quốc sau đó cắt mác thay vào đó là thương hiệu của mình. Cũng chính vì vậy, thương hiệu này đã bị tẩy chay và dần biến mất khỏi thị trường Việt. Khách du lịch cũng mất đi một địa điểm tham quan và mua quà lưu niệm bằng tơ lụa của Việt Nam. Đặc biệt, niềm tự hào về cái nôi nuôi tằm dệt lụa cũng bị ảnh hưởng xấu trong con mắt bạn bè quốc tế.

Đáng buồn hơn, dù sự việc xảy ra đã lâu nhưng dường như vẫn hằn sâu trong tâm trí người tiêu dùng cũng như giới truyền thông để mỗi khi có sự việc tương tự xảy ra, Khaisilk lại được nhắc tới đầy phẫn nộ.

Theo vết xe đổ này, thời gian gần đây liên tiếp những vụ việc lớn tại thị trường Hà Nội đã bị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra và phát hiện. Đơn cử như việc mới đây Đội Quản lý thị trường số 17 đã kiểm tra cơ sở may mặc tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên khi công nhân may của cơ sở này đang cắt tem nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và đính thay bằng nhãn mác của một số thương hiệu trong nước như NEM, IFU.

Đặc biệt, các sản phẩm quần áo với nhiều chủng loại, chất liệu khác nhau nhưng khi được cơ sở thay đổi nhãn mác thì đều có thành phần cấu tạo giống nhau trên tem nhãn thay thế với 65% cotton và 35% polyester.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã thu giữ 66 bao quần áo các loại có chữ nước ngoài, 2.130 sản phẩm quần áo rời và 16 bao quần áo gắn nhãn giả, 6 bao túi xách và 4 bao quần áo đã cắt nhãn gốc. Ước tổng khối lượng hàng hóa khoảng 4 tấn, tổng trị giá hàng hóa khoảng 2 tỷ đồng.

Ngay sau đó, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội lại tạm thu giữ 9.000 sản phẩm từ 5 cửa hàng bán sản phẩm thương hiệu thời trang Seven. Am vì toàn bộ hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và bản công bố hợp quy của sản phẩm, cửa hàng chưa xuất trình được.

Theo giải thích từ ông Nguyễn Vũ Hải Anh, Tổng Giám đốc thương hiệu này thì đơn vị có nhập hàng Trung Quốc nhưng đều có hóa đơn. Không những thế, doanh nghiệp thi thoảng có cắt mác cổ vì khách hàng kêu ngứa, nhưng những chỗ khác như mác sườn thì vẫn còn.

“Tôi khẳng định những sản phẩm nào bên tôi không sản xuất thì không gắn mác Seven.Am. Khi bán hàng nhân viên cũng nói rõ đây là hàng Trung Quốc", ông Nguyễn Vũ Hải Anh khẳng định.

Dù các sự việc này vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ, nhưng đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh giới doanh nghiệp thời trang khác về việc người tiêu dùng đã bắt đầu để mắt nhiều hơn tới nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Vì vậy, không ai có thể chấp nhận việc bỏ tiền triệu ra để rước về cho mình những món hàng giả cũng như đặt niềm tin nhầm chỗ để cắt mác và làm giàu bằng cách lừa dối người tiêu dùng.

Siết chặt kỷ cương

Chú thích ảnh
Kiểm tra các sản phẩm được bày bán tại các showroom Seven.Am. Ảnh: QLTT

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, sau khi Việt Nam liên tiếp tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhiều loại hàng hóa được hưởng thuế suất ưu đãi rất thấp. Cùng với đó, việc chất lượng hàng Việt Nam nâng cao và được người tiêu dùng lựa chọn khiến một số đối tượng nảy sinh hành vi gian dối.

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và thu giữ nhiều vụ vận chuyển hàng lậu từ nước ngoài về Việt Nam có gắn mác “Made in Vietnam”.

Các mặt hàng bị phát hiện, thu giữ đa chủng loại từ nông sản, thủy sản, đồ gia dụng, quần áo, giày dép, túi xách, đồ chơi trẻ em, đồ dùng, thiết bị giáo dục, thiết bị xây dựng…

Dù đã đạt kết quả nhất định, song ông Trần Hữu Linh vẫn cho rằng, việc kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc, gắn mác Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn; trong đó có việc xác minh nguồn gốc hàng hóa. Đặc biệt, hàng hóa giả mạo xuất xứ không có doanh nghiệp chủ thể rõ ràng.

“Kể cả giám định chất lượng, nếu không có những chỉ tiêu chất lượng cụ thể để phân biệt giữa hàng thật và hàng giả mạo xuất xứ thì khó có thể xác định vi phạm được”, ông Trần Hữu Linh chỉ rõ.

Thống kê của Ban Chỉ đạo 9 cho thấy, chỉ tính trong quý III/2019, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 149.502 vụ vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, số vụ việc khởi tố tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng lưu ý và người tiêu dùng ngày càng có xu hướng lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước nên lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã tìm cách giả mạo bao bì, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của Việt Nam, thậm chí giả những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam để lừa dối người tiêu dùng.

Vừa qua, trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu về tổ chức cán bộ, kiện toàn bộ máy của lực lượng Tổng cục Quản lý thị trường cũng như giả xuất xứ và gia công sản xuất, cắt nhãn, gắn mác thương hiệu Việt để xuất khẩu hoặc tiêu thụ trên thị trường nội địa.

Ông Trần Hữu Linh cho hay, Tổng cục Quản lý thị trường xác định đây là hình thức gian lận thương mại mới và sẽ lên kế hoạch chuyên đề để tập trung đấu tranh, làm tốt việc kiểm tra, kiểm soát chống gian lận thương mại, xuất xứ và cắt mác gắn giả thương hiệu nổi tiếng.

Trước hàng loạt các vụ vi phạm về cắt mác làm giả thương hiệu diễn ra liên tiếp trên địa bàn Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An yêu cầu tới đây lực lượng quản lý thị trường nói chung và Cục Quản lý thị trường Hà Nội cần tập trung chống các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả; kiểm tra, kiểm soát các điểm nóng về hàng giả.

Bên cạnh đó, đơn vị phải tập trung kiểm tra vào các tụ điểm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng cấm; các đầu lậu, đường dây ổ nhóm; các doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cần xây dựng các chương trình kiểm tra theo từng thời kỳ cụ thể trong các năm tiếp theo và lên kế hoạch cụ thể về kiểm tra, kiểm soát các kho hàng, các điểm tập kết hàng hóa trên địa bàn được phân công quản lý.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, đối với các công chức không đảm bảo yêu cầu trong việc quản lý địa bàn phải luân chuyển thay thế, không để tình trạng quản lý địa bàn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm và lợi dụng chức vụ bao che cho các cơ sở vi phạm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp chân chính.

Uyên Hương (TTXVN)
Phát hiện nhiều sản phẩm nghi giả mạo thương hiệu nổi tiếng
Phát hiện nhiều sản phẩm nghi giả mạo thương hiệu nổi tiếng

Phát hiện nhiều hàng hóa nghi giả mạo mang thương hiệu nổi tiếng khi kiểm tra đột xuất tại chợ Bến Thành và khu mua sắm Saigon Square (Quận 1, TP Hồ Chí Minh).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN