Phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam: Liên kết vượt khó bám biển

Hơn 26 năm thành lập, Liên tập đoàn đánh cá Nam Triệu (xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) - mô hình đánh bắt cá tập thể lớn bậc nhất miền Bắc đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Sau thời kỳ hoàng kim giai đoạn 2002 - 2005, những năm gần đây Liên tập đoàn (LTĐ) cùng ngư dân trong xã vượt khó, gắng sức bám biển duy trì nghề truyền thống.


Mô hình hiệu quả


Đi biển là nghề truyền thống lâu đời của người dân xã Lập Lễ. Năm 1987, UBND huyện Thủy Nguyên đã quyết định đồng ý cho xã Lập Lễ thành Liên tập đoàn (LTĐ). Ông Vũ Văn Cự, Tập đoàn trưởng LTĐ chia sẻ: Thời điểm thành lập LTĐ cũng là thời điểm khó khăn của ngư dân. Thời đó ngư dân chủ yếu sử dụng thuyền buồm thô sơ, đánh bắt cá ven bờ nên gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng đối với Lập Lễ, nhờ cả xã biết kết thành một mối thành lập LTĐ, hỗ trợ nhau, nên nghề khai thác thủy sản vẫn trụ vững.

Nhiều tàu cá của ngư dân Lập Lễ phải nằm bờ.


Đến năm 2013, LTĐ có 4 tàu công suất máy trên 40CV, hơn 200 tàu nhỏ công suất máy dưới 40CV, tổng số ngư dân ra biển lên đến hơn 2.000 người. Hàng năm, lượng tàu của LTĐ tham gia đánh bắt hiệu quả trên nhiều ngư trường lớn khắp cả nước. Trải qua nhiều thăng trầm, LTĐ ngày càng khẳng định được vai trò là điểm tựa cho ngư dân vươn ra khơi. Ông Vũ Văn Cự cho biết: Trong tổ chức, LTĐ hỗ trợ ngư dân ngay từ bước đầu hoàn thành các thủ tục cấp phép đóng mới tàu, tham gia khai thác. Cùng với đó, LTĐ làm dịch vụ cho nghề khai thác, thu thuế, lập kế hoạch tham mưu UBND xã thực hiện nhiệm vụ phát triển nghề cá, kinh tế biển. LTĐ còn hỗ trợ vốn cho các hộ mua sắm phương tiện phát triển sản xuất. LTĐ quan tâm nắm tình hình khai thác từng nghề, từng vùng, từng thời kỳ để có căn cứ vận động thành viên tập trung khai thác những loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Hàng năm, LTĐ còn tổ chức các lớp tuyên truyền về pháp luật biển đảo, thông tin vấn đề chủ quyền biên giới, mở các lớp học cấp chứng chỉ liên quan đến vận hành khai thác phương tiện đi biển... Nhờ những hoạt động thiết thực đó nên tổng giá trị sản lượng bình quân hàng năm của LTĐ đều đạt hàng trăm tỷ đồng, vấn đề an toàn lao động được nâng cao.


Cùng với hoạt động của LTĐ, các thôn trong xã cũng tự thành lập các đoàn, tổ đánh cá để chủ động trong hoạt động đánh bắt. Thành viên trong các tổ tàu thường là anh em cùng dòng họ. Việc các tàu đi đánh cá theo nhóm giúp nâng cao hiệu quả mỗi chuyến đi và hỗ trợ tốt công tác cứu hộ cứu nạn.


Vượt khó ra khơi


Hiệu quả từ mô hình LTĐ trong suốt thời gian qua là rất lớn. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Cự cho biết: Mấy năm gần đây ngư dân đi biển gặp rất nhiều khó khăn do chi phí mỗi chuyến đi tăng cao, trong khi nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt. Tổng sản lượng hải sản cả xã đánh bắt được hàng năm đạt bình quân 13.000 tấn, tăng hơn nhiều so với Nghị quyết 8.000 tấn của xã đề ra nhưng giá trị sản phẩm mỗi lúc lại kém đi nhiều do chất lượng hải sản ngày càng đi xuống. Riêng năm 2012, ngư dân toàn xã đã lỗ gần 100 tỷ đồng.


Ông Đinh Như Sửa, chủ tàu khai thác thủy sản ở thôn Láng Cáp nói: Gia đình ông vừa đóng con tàu công suất máy 250 CV. Tàu lớn nên vươn khơi tốn nhiều chi phí. Tiền dầu cho một chuyến đi biển khoảng 150 triệu đồng. Trong khi đó, sản lượng đánh bắt không được nhiều, như vụ cá Bắc năm qua, tàu của gia đình ông đi mấy chuyến đều lỗ vốn. Có chuyến ông phải đánh cá bé làm chượp mắm để có chút sản phẩm, nhưng hơn 20 tấn cá này đành để thối vì không tìm được người mua. Sau một đến hai chuyến đi về tay trắng, ông quyết định cho tàu nằm bờ song cứ nằm bờ mãi thì không biết lấy gì để trả nợ vì phần lớn tiền mua tàu đều vay ngân hàng...


Ông Nguyễn Đức Chiện - Chủ tịch UBND xã Lập Lễ chia sẻ: Với thực trạng này, nghề đánh bắt cá sẽ rất khó phát triển. Để nghề đánh bắt cá có hướng phát triển, rất cần được Nhà nước, địa phương hỗ trợ về kinh phí, cơ chế vay vỗ ưu đãi. Bên cạnh đó, cần sớm quy hoạch lại việc khai thác thủy sản, từ đó tăng cường quản lý, giúp nguồn hải sản có thời gian sinh sôi, phát triển, tránh tình trạng đánh bắt tận thu như hiện nay. Các dòng sông đang bị ô nhiễm cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh sống của các loài hải sản.


Cũng như Lập Lễ, đây là khó khăn chung của ngư dân trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Để giúp nghề đánh bắt hải sản ngày càng phát triển, ngư dân rất cần sự sẻ chia của các cấp các ngành, tiếp sức giúp bà con vững tâm ra khơi, làm giàu bằng chính nghề truyền thống.


Hoàng Ngọc

Tăng cường quảng bá du lịch biển đảo

Ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH,TT&DL) cho biết: Một trong những ưu tiên trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong năm 2013 là chủ đề về du lịch biển đảo theo Chiến lược phát triển biển đảo Việt Nam;...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN