Nông dân bỏ vườn
Những tháng gần đây, nếu đến các vùng chuyên canh thanh long như Châu Thành (Long An) hay Chợ Gạo (Tiền Giang) rất dễ nhìn thấy những vườn thanh long hoang tàn, hư hại nặng do người dân bỏ không chăm sóc. Hoặc xen lẫn giữa các vườn thanh long là các vườn dừa, bưởi, mai vừa mới trồng trên đất thanh long. Việc tiêu thụ khó khăn, giá cả xuống đáy khiến người dân càng trồng càng lỗ. Nhiều người phải chọn giải pháp phá bỏ thanh long chuyển đổi sang cây trồng khác, số khác thì bỏ hoang vườn không chăm sóc.
Anh Nguyễn Trúc Hiếu, xã Tân Thuận Bình, Chợ Gạo, Tiền Giang cho biết đã phá bỏ vườn thanh long trồng được khoảng 7 năm do những vụ trồng gầy đây đều thua lỗ. Nếu tiếp tục đầu tư chăm sóc thanh long thì sợ rủi ro cao quá, sợ sẽ tái diễn cảnh thanh long chín đầy vườn mà không ai mua.
Ông Nguyễn Văn Chiến, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành cho hay: từ lúc dịch bệnh, giá cả bấp bênh, bà con đầu tư không có lời, đều là lỗ. Nếu người nào còn có vốn nhiều thì chăm sóc giữ cho cây không bệnh hoặc chuyển sang trồng cây khác, người nà không có vốn thì buộc phải bỏ hoang vườn hư hại. Do đó, hiện tại nhiều người thiếu nợ ngân hàng, vì thu hoạch không có lãi, vay để tái lại sản xuất, chi tiêu cuộc sống”.
Theo Bí thư Huyện ủy Châu Thành Lê Quốc Dũng, hiện nay, diện tích thanh long (sạch bệnh và bệnh nhẹ) của huyện chỉ còn gần 5.900 ha. Toàn huyện có gần 1.900 ha thanh long đã phá bỏ; trong đó, người dân đã trồng lại thanh long 241 ha, chuyển sang cây trồng khác 487 ha, còn gần 1.160 ha đất bỏ trống. Bên cạnh đó, Châu Thành còn khoảng 1.320 ha thanh long già cỗi, bệnh nặng cần phải phá bỏ. Như vậy, toàn huyện có 2.480 ha người dân phải trồng mới lại vườn thanh long.
Tương tự, tại vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang cũng có gần 600 ha thanh long bị người dân phá bỏ để chuyển sang cây trồng khác; một số diện tích thanh long hư hại do người dân không chăm sóc.
Giải pháp phục hồi
Trước tình trạng khó khăn như vậy, nhưng đa số người dân vẫn kỳ vọng vào việc tiếp tục trồng thanh long để có thu nhập. Ông Lê Văn Thủy (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho biết, nhiều năm qua, cây thanh long đã giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của người dân địa phương.
Nhiều người thoát nghèo, vươn lên làm giàu cũng từ cây thanh long. Thời gian gần đây, thanh long rớt giá là khó khăn chung của người dân cả nước. Do đó, người dân không nên vội vàng phá bỏ cây thanh long đã gắn bó, giúp nông dân nâng cao thu nhập này.
Theo ông Trần Hữu Danh, Giám đốc Công ty TNHH Long Việt (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), dù tình hình tiêu thụ thanh long khó khăn, nhưng nông dân nên bình tĩnh. Đối với những vườn thanh long già cỗi, nông dân nên thay đổi giống. Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu, thanh long của nước ta vẫn còn nhiều dự địa phát triển, trong những năm tới, nông dân trồng thanh long sẽ có cơ hội, chắn chắn giá sẽ tốt hơn.
Ông Lê Quốc Dũng - Bí thư Huyện ủy Châu Thành (Long An), qua khảo sát sơ bộ tại 12/13 xã của huyện, có 82,6% người dân có vườn thanh long bị hư hại, bỏ hoang thống nhất trồng mới lại thanh long; có 88,1% người dân thống nhất trồng thanh long theo quy trình VietGAP; 87,1% người dân đồng ý tham gia hợp tác xã để liên kết theo chuỗi giá trị. Như vậy, nhu cầu duy trì và phát triển cây thanh long của người dân địa phương vẫn rất lớn.
Tuy nhiên, do thua lỗ nhiều vụ liên tiếp, nông dân trồng thanh long hiện nay gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để tái sản xuất. Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An cho biết, hiện tại, giá thanh long đã tăng trở lại khoảng 15.000 đồng/kg ruột trắng và 25.000 đồng/kg ruột đỏ. Tới đây, Trung Quốc sẽ mở cửa thông thoáng trở lại, việc xuất khẩu thanh long cũng thuận lợi hơn nhiều.
Tuy nhiên, suốt thời gian dài thua lỗ, nhiều người trồng thanh long ở Châu Thành không có vốn để trồng mới, phục hồi lại vườn thanh long đã hư hại. Hiệp hội đã có kiến nghị gửi các cấp ngành liên quan xem xét có chính sách hỗ trợ cho người nông dân vay vốn ưu đãi để phục hồi và phát triển cây thanh long.
Đồng thời, đánh giá lại tổng thể nhu cầu thị trường, diện tích vùng trồng… để đảm bảo cân đối cung cầu, tạo đầu ra ổn định cho trái thanh long.
Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, Sở đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh thực hiện một số giải pháp cụ thể để hỗ trợ nông dân duy trì trồng thanh long.
Cụ thể, kiến nghị UBND tỉnh cân đối tăng nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để nâng cao nguồn vốn từ Trung ương cấp cho tỉnh thực hiện chương trình cho vay đối với các hộ nông dân duy trì trồng thanh long tại huyện Châu Thành và các huyện khác. Cùng đó, có chủ trương xây dựng chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn cho người nông dân trồng mới thanh long, chăm sóc duy trì vườn thanh long.
Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền vận động nông dân, mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị, tạo sự ổn định về giá cả và lợi nhuận để nâng cao hiệu quả trong sản xuất thanh long.
Đồng thời, tạo sự khác biệt về ổn định giá cả và đầu ra của sản phẩm sản xuất theo chuẩn GAP so với sản phẩm sản xuất thông thường để nâng cao hiệu quả trong sản xuất thanh long cũng như tạo động lực để người trồng thanh long mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cho biết, tỉnh sẽ thông qua các chính sách đầu tư về vốn vay để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở, kho, bãi thu mua, sơ chế, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong chế biến sâu về thanh long. Ngoài ra, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gặp gỡ các tổ hợp tác, hợp tác xã ký kết tiêu thụ thanh long. Trước mắt, tỉnh sẽ xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ trên sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn các tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp cận và nhận hỗ trợ từ các chính sách như đầu tư kết cấu hạ tầng; hỗ trợ phát triển hợp tác xã; hỗ trợ thu hút cán bộ trẻ làm việc có thời hạn…
Đồng thời, tập trung xây dựng chiến lược phát triển thị trường; trong đó, chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thanh long để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài.