Hóa giải thách thức
Cùng chúng tôi dạo quanh ruộng lúa đang chuẩn bị đón đòng ở vựa lúa nông dân hợp tác với Tập đoàn Sunrice tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, cha đẻ của hàng trăm giống lúa Việt, vươn mắt nhìn ra xa nói: “Không dễ gì có được những cánh đồng lúa chất lượng cao thế này đâu. Tư duy nông dân mình đang dần thay đổi rồi. Họ đã biết hợp tác với doanh nghiệp để cùng tiến lên”. Vị giáo sư năm nay đã ngoài 80 tuổi khẳng định, Nghị quyết 120 thực sự là nghị quyết thuận thiên.
“Nói thuận thiên ở đây nghĩa là thách thức đã trở thành cơ hội. Từ việc coi nước mặn là kẻ thù, giờ nước mặn lại trở thành nguồn sinh kế mới, là bạn, mình sống chung với nó”, Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ.
Nhớ lại những năm tháng Đồng bằng sông Cửu Long chưa có Nghị quyết 120, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết, thời những năm 80 của thế kỷ XX, người nông dân nơi đây loay hoay ngăn mặn, giữ ngọt, liên tục thâm canh vụ lúa dù lúa gạo dư thừa. Người dân phải lén nuôi tôm vì hệ lúa-tôm chưa được cho phép. Vậy là, ruộng nào trồng lúa thì dẫn nước ngọt, ruộng nào nuôi tôm thì kéo nước mặn. Điều này dẫn đến hệ lụy khôn lường về mùa vụ.
Khi Nghị quyết 120 được ban hành, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long vô cùng phấn khởi và bắt đầu thay đổi phương thức quản lý, vận hành ngành Nông nghiệp.
Minh chứng rõ nhất về hiệu quả của Nghị quyết “thuận thiên” là hệ thống canh tác lúa luân canh với nuôi tôm đã phát triển vượt bậc. Những vùng mặn được chuyển đổi, quy hoạch mới, hàng ngàn hecta lúa-tôm đã đem lại lợi tức gấp 4-5 lần trồng lúa độc canh trước đây; thu nhập của người nông dân cũng khá lên. Còn những vùng hạn được nông dân đã chuyển sang trồng mè, sen, các loại cây trồng thích hợp thổ nhưỡng.
Các diện tích chuyển đổi đều cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Riêng đối với mặt hàng gạo, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt khoảng 2,3 tỷ USD, đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu trong nhóm hàng nông sản, tăng 22,2% về lượng và tăng 34,7% về giá trị.
Người nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng dần thay đổi để trở thành những nông dân kiểu mới; tham gia vào hợp tác xã kiểu mới để nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Hợp tác xã cũng gắn kết với doanh nghiệp; trong khi doanh nghiệp phải gắn liền với thị trường. Ở những khâu này, đều có bàn tay của Nhà nước “chăm sóc”, quan tâm.
Đánh giá về việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 120, Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng Nghị quyết là một bước tiến lớn trong việc tạo cơ sở điều phối các hoạt động vì sự phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long.
“Nghị quyết này tạo ra nền tảng rất quan trọng để tập trung thực hiện các giải pháp dựa vào tự nhiên nhằm ứng phó với một số vấn đề cấp bách tại Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm cả những vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra”, bà Carolyn Turk nhận xét.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), những năm qua, thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, ngành Nông nghiệp đã có những dự báo sớm về hạn mặn và nguồn nước, giúp điều hành mùa vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Các địa phương cũng áp dụng nhiều mô hình nông nghiệp thuận thiên, nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị như: Mô hình “con tôm ôm cây lúa”, chuyển độc canh lúa sang xen canh và đa canh, mô hình thích ứng hạn mặn.
Theo định hướng phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, vùng đất này sẽ được chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng điều kiện tự nhiên theo 3 vùng sinh thái: Vùng nước ngọt ở thượng nguồn, vùng mặn lợ ở ven biển, vùng chuyển tiếp ngọt lợ và có nguy cơ xâm nhập mặn.
Từ Nghị quyết 120 và những thành công của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nền nông nghiệp “thuận thiên” đã được triển khai ở nhiều vùng đất trên cả nước như: Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh…từ đó, vừa giúp nông dân thoát nghèo, vừa hóa giải được thách thức từ biến đổi khí hậu, giữ gìn môi trường cho thế hệ sau.
Thay đổi tư duy người nông dân
Trải qua gần 6 năm triển khai, lợi ích cũng như hiệu quả của Nghị quyết 120 đối với Đồng bằng sông Cửu Long và nông dân đã nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, để Nghị quyết 120 đạt mục tiêu như mong muốn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần thay đổi tư duy hơn nữa, có cách tiếp cận mới theo xu hướng và quy hoạch cấp vùng.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trước đây, việc tiếp cận nông nghiệp theo tiêu chí quy mô, sản lượng, kim ngạch. Giờ đây, xu hướng tiếp cận trung tâm là từ người tạo ra sản phẩm nông nghiệp. Nông dân luôn cố gắng nâng cao sản xuất để tăng sản lượng. Song, điều đó có thể kéo theo những hệ lụy như: suy thoái thổ nhưỡng đất, ô nhiễm môi trường, giảm đa dạng sinh học… Do đó, dù cấp thiết nhưng nông dân không thể đánh đổi môi trường để sản xuất nông nghiệp. Ngược lại, họ phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường cho các thế hệ sau. Nếu muốn phát triển bền vững, nông dân ở 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có giải pháp canh tác hướng đến nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông dân cần có cái nhìn tích cực hơn về tác động của biến đổi khí hậu. Nếu thực hiện cách tiếp cận với biến đổi khí hậu theo hướng “thuận thiên”, có tư duy thích ứng hiệu quả, Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể được xây dựng thành tiểu vùng sinh thái hình mẫu, một nơi đáng sống.
Với Giáo sư Võ Tòng Xuân, cùng với Nghị quyết 120, Nhà nước cần phải “nhúng tay” vào để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp; phải có chiến lược, định hướng nơi nào thích hợp trồng cây, con gì để phát triển tối đa, cho thu nhập của người nông dân tăng lên. Nhà nước cũng cần tiếp tục định hướng, quy hoạch phát triển vùng phù hợp với bối cảnh tác động từ biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ.
Thuận thiên để thích ứng. Thuận thiên để phát triển. Khi con người hòa mình với thiên nhiên, nương nhờ vào thiên nhiên, chắc chắn sẽ được chở che và phát triển. Tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên cũng chính là bảo vệ, giữ gìn môi trường sống cho loài người trên trái đất này.