Không để điệp khúc “được mùa, mất giá”, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông cửu Long đã và đang tìm các giải pháp giải quyết đầu ra cho hạt gạo hàng hóa, giúp nông dân an tâm ổn định sản xuất.
Những mô hình có hiệu quả
Tuy cánh đồng lớn đang giảm dần, nhưng nhiều nông dân cho rằng sẽ thực hiện những mô hình có hiệu quả nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, năm 2020, diện tích liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn tại Tiền Giang đạt trên 13.000 ha với gần 18.200 hộ nông dân tham gia. Qua đó, tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết hiệu quả như: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh, xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) liên kết với Công ty Lương thực Tiền Giang, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới , xã Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè) liên kết với Công ty Phước Lộc Thiên Hộ…
Nông dân Cao Hồng Tiết, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cho biết, ông đã hợp tác sản xuất với Công ty TNHH HK, hơn 5 năm qua. Việc hợp tác doanh nghiệp giúp ông tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ thông qua trồng lúa thơm VD 20 theo quy trình hữu cơ đạt chuẩn xuất sang Châu Âu, hiệu quả kinh tế đảm bảo vừa bảo vệ an toàn cho sức khỏe, cho môi trường. Ông Tiết kỳ vọng, những mô hình hiệu quả tiếp tục được nhân rộng, giúp người nông dân không phải canh cánh lo sợ mỗi khi đến mùa thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Mến, ngụ xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho hay, trước đây ông bán lúa cho thương lái nên bị lệ thuộc, ép giá. Mấy năm nay, ông chuyển sang liên kết với doanh nghiệp để yên tâm đầu ra. Song, trong quá trình hợp tác hai bên không có tiếng nói chung, giá cả và tiền bạc chậm trễ nên sự liên kết không bền chặt. Vì vậy, Nhà nước nên quan tâm, hỗ trợ kinh phí đầu tư, đặc biệt phát huy mặt quản lý của Nhà nước trong sự kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân thì nông dân sẽ tin tưởng, tham gia vào những mô hình có lợi, đạt hiệu quả hơn.
Còn ông Lê Văn Bê, ngụ xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh cho rằng, từ khi tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn diện tích lúa đạt năng suất cao, ít sâu bệnh, lợi nhuận đạt từ 4-5 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, cánh đồng tại xã ông tham gia hiện không còn tồn tại cũng vì nguyên nhân doanh nghiệp và nông dân chưa có mối liên kết với nhau. Ông Bê sẽ tiếp tục tham gia vào những mô hình liên kết nếu có được sự hỗ trợ của Nhà nước về gắn kết bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu,..
Nhân rộng liên kết
Có thể khẳng định, sau thời gian triển khai thực hiện trong khu vực Đồng bằng sông cửu Long, cánh đồng lớn mang lại lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp, tăng lợi nhuận cho nông dân nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vật tư nông nghiệp đầu vào được cung ứng tốt, thúc đẩy cơ giới hóa, bảo vệ môi trường. Đối với doanh nghiệp, thông qua liên kết, doanh nghiệp đặt hàng sản xuất theo yêu cầu thị trường, có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng sản phẩm được cải thiện nên nâng cao sức cạnh tranh. Đây là hướng đi quan trọng trong sản xuất lúa gạo.
Từ nhận định trên, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông cửu Long tập trung đề ra những giải pháp để phát triển bền vững cánh đồng lớn trong thời gian tới. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh An Giang xác định việc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp đủ mạnh sẽ là điểm tựa để thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện địa phương đã xây dựng chương trình phát triển kinh tế hợp tác gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2025.
Còn Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang Võ Văn Lập cho hay, sắp tới, để khuyến khích nhân rộng mô hình liên kết sản xuất tại địa phương, các đối tác tham gia các dự án, kế hoạch liên kết sẽ tiếp cận được các chính sách hỗ trợ về chi phí tư vấn xây dựng dự án, đầu tư kiến thiết hạ tầng, mua sắm máy móc, thiết bị; thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm…
Đối với tỉnh Long An, tỉnh phấn đấu mục tiêu trong giai đoạn từ 2020-2025 sản lượng lúa bình quân từ 2,6 - 2,7 triệu tấn; trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao đạt trên 55%, nhất là người nông dân gắn với những mô hình canh tác lớn, lợi nhuận cao, tỉnh đề ra nhiều giải pháp cụ thể.
Theo đó, tỉnh điều chỉnh bổ sung và hoàn thiện quy hoạch ngành nông nghiệp gắn với quy hoạch nông thôn mới. Xác định cụ thể từng vùng chuyên canh phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và lợi thế của vùng. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng như đường, hệ thống thủy lợi nội đồng, điện để phục vụ cho sản xuất vùng chuyên canh hàng hóa nông sản với số lượng lớn tập trung gắn với vận chuyển lưu thông hàng hóa.
Bên cạnh đó, Long An tiếp tục cũng cố duy trì, phát triển, nâng chất các hợp tác xã trên lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo mối liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa tổ chức nông dân với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị. Củng cố về mặt tổ chức, con người, phương thức sản xuất gắn với xúc tiến thương mại, tạo thị trường tiêu thụ ổn định. Tiếp tục phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, sạch, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở các giải pháp về chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP,..;ứng dụng những thành tựu khoa học tiên tiến vào trong sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.
Ngoài ra, Long An phối hợp với các ngành tỉnh, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xúc tiến tiêu thụ hàng hóa; xây dựng thương hiệu hàng nông sản đặc trưng của huyện. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cùng đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục triển khai nội dung thỏa thuận Hợp tác giữa UBND tỉnh với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời về việc thực hiện dự án phát triển chuỗi giá trị lúa gạo, thực hiện Chương trình liên kết và phát triển hợp tác xã kiểu mới gắn xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo của tỉnh.
Cùng với những giải pháp trên, theo ông Nguyễn Chí Thiện, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn có liên kết sản xuất với nông dân tại các vùng nguyên liệu chuyên canh chính; xác định thị trường mục tiêu, thu hút khách hàng lớn, xây dựng thương hiệu và kết nối trực tiếp với hệ thống bán lẻ đạt hiệu quả hơn.