Kẹt xe tại Quốc lộ 13 (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ảnh : Mạnh Linh/TTXVN |
Từ thực tế cho thấy, nhiều năm qua, việc đô thị hóa nhanh do quá trình nhập cư đã tạo áp lực rất lớn cho quy hoạch đô thị TP Hồ Chí Minh, nhất là hệ thống giao thông đô thị. Theo đó, bình quân mỗi năm thành phố tăng thêm khoảng 200.000 người dân; trong đó có hơn 130.000 người dân nhập cư. Tính đến nay, dân số thành phố đã hơn 8 triệu người, nếu tính cả dân nhập cư chưa đăng ký và vãng lai thì đã gần 10 triệu người. Điều đáng nói hơn nữa, theo các chuyên gia chính những bất cập này còn khiến cho động lực phát triển kinh tế của thành phố bị chậm lại. Do vậy, đòi hỏi thành phố sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu là một yêu cầu bức thiết.
Áp lực ngày càng đè nặng Theo Viện nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố có hơn 7.000 km đường giao thông và chỉ chiếm khoảng từ 5 - 6% diện tích, quá thấp so với tiêu chuẩn của đô thị hiện đại là trên 20%. Trong khi đó, từ áp lực tăng dân số, thành phố đã không còn quỹ đất để tăng tỷ lệ diện tích giao thông mặc dù ngành giao thông vận tải đã bằng nhiều nỗ lực chỉnh trang, xây dựng thêm những công trình giao thông mới. Điển hình là xây dựng nhiều cây cầu vượt trong nội đô nhưng đến nay tỷ lệ đất giao thông tăng không đáng kể, mới đạt khoảng 8% và không đủ để giải quyết được tình trạng ách tắc giao thông.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ từ áp lực tăng dân số mà còn cộng thêm việc bấy lâu nay việc nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng chưa phù hợp đã gây ra nhiều hệ lụy trong quản lý đô thị. Theo GS TS. Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, thay vì chỉ nên sử dụng những khu vực đất có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển đô thị nhằm khai thác hiệu quả tốt nhất, thì trong thời gian dài việc chọn lựa mở rộng nhanh không gian đô thị theo hướng sử dụng “bằng hết” quỹ đất trong ranh hành chính là mục tiêu phát triển.
Định hướng này đã làm thành phố lâm vào tình trạng quá tải về dân số, ách tắc giao thông, chưa kể đến tình trạng ngập lụt. “Thành phố đã phát triển đô thị trải rộng theo hình thức “vết dầu loang” theo khả năng tiếp cận được bằng giao thông bộ. Thậm chí là bao bọc sân bay Tân Sơn Nhất, một sân bay mang tính chiến lược của khu vực và cả nước. May mà hiện nay chúng ta đã nhận ra vì có những lúc còn có ý định bỏ hẳn sân bay để phát triển đô thị”, GS TS Nguyễn Trọng Hòa dẫn chứng.
Bên cạnh đó, trong quy hoạch đô thị, cách phân bố dân số theo quận – huyện mà không quan tâm đúng mức tới các điều kiện về đất đai - địa hình, hiện trạng phát triển… rồi lấy dân số đó làm cơ sở để phân bổ cho các dự án và cùng với việc phát triển nhà ở thiếu định hướng, phát triển căn hộ xen lẫn nhà ở thấp tầng đã cũng gây nên nhiều hệ lụy.
“Cuộc đua” không cân sức Có thể chứng minh thêm những năm gần đây, dân số các quận trung tâm có xu hướng giảm, trong khi dân số các quận mới lập như: quận 2, 9… vùng ven tăng nhanh do đón nhận người dân từ trung tâm chuyển ra và người dân nhập cư từ các tỉnh đến sinh sống. Tại khu vực này, mặc dù hệ thống hạ tầng giao thông đã được ưu tiên đầu tư nhưng vẫn không theo kịp tốc độ phát triển đô thị nên tình trạng ách tắc giao thông cũng diễn ra thường xuyên.
Có thể thấy rõ, khi khu vực này trước đây tập trung phát triển dự án đất nền thì nay lại có xu hướng phát triển mạnh dự án căn hộ khiến quy mô dân số tăng vọt trong khi hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng kịp.
Cụ thể, đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Xây Dựng (quận 2) sẽ triển khai dự án mở rộng 40 mét và theo Kế hoạch 249/KH - UBND ngày 21/8/2017 của Ủy ban nhân dân quận 2 dự kiến vào tháng 7/2018 chỉ mới hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư và thu hồi đất của dự án. Tuy nhiên, nhiều năm qua, trên đoạn đường này đã mọc lên hàng loạt chung cư cao tầng khiến giao thông qua khu vực này trở nên quá tải.
Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển như Tân Cảng - Phú Hữu... nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn qua quận 9) cũng đang nằm trong tình trạng bị “bao vây” bởi các khu dân cư. Để đáp ứng nhu cầu hoạt động, thành phố phải đầu tư mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ đường Vành Đai 2 đến đường vào khu công nghiệp Phú Hữu có chiều dài 1,5 km với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng; trong đó có 600 tỷ đồng để phục vụ giải phóng mặt bằng. Trong khi chờ có nguồn vốn đầu tư dự án thì hoạt động của cảng này đang bị “bóp nghẹt” bởi các khu dân cư phát triển với tốc độ chóng mặt và người dân đối mặt với nguy cơ ách tắc, mất an toàn giao thông do lưu lượng xe container trên tuyến đường này thì đang hiện hữu.
Không những vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn do chi phí tăng cao. Ông Bùi Văn Quản, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho rằng, trước đây 1 xe có thể quay vòng chạy 2 chuyến/ngày, còn bây giờ hiệu quả khai thác xe giảm xuống vì ách tắc giao thông. Điều nghịch lý hơn nữa là các doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí mua thêm xe, thuê tài xế, nhiêu liệu để đáp ứng nhu cầu chở hàng khiến giao thông càng ách tắc.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị, để giải quyết bài toán ách tắc giao thông, TP Hồ Chí Minh cần phải giải quyết được hai vấn đề lớn, đó chính là phải tự nghiên cứu, tìm ra những bất cập nội tại nhằm để có một “chiến lược phát triển đô thị” hiệu quả. Tuy nhiên, chiến lược đó phải được đặt trong bối cảnh liên kết các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với những bước đi, hành động cụ thể và tầm nhìn dài hạn.