Cứ mưa là ngập
Gần đây, hình ảnh hai đô thị lớn của cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chìm trong biển nước mỗi khi gặp mưa lớn đã trở nên phổ biến.
Nhìn từ những lần người dân Thủ đô bì bõm lội nước, ông Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường đô thị phân tích, địa hình Hà Nội cao từ 3,5 - 9 m so với mặt nước biển, thậm chí cao hơn Hải Phòng và tương đương một số thành phố khác nên việc úng ngập hiện nay không phải do địa hình. Mưa lớn cũng chỉ là nguyên nhân nhưng nguyên nhân gây ngập là hệ thống thoát nước nội đô.
Nước ngập tại chân cầu Phú Mỹ (TP Hồ Chí Minh) sau một trận mưa lớn. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Chuyên gia này cho rằng, hệ thống thoát nước ở Thủ đô lạc hậu, đường ống nhỏ, khả năng tiêu thoát nước hạn chế, lâu ngày lại bị bồi lắng thu hẹp. Trước đây, Hà Nội còn có nhiều ao hồ để tiêu thoát nhưng này đã bị lấp dần hoặc thu hẹp để xây dựng nhà cửa. Ngay như việc cải tạo các dòng sông cũng làm giảm khả năng tiêu nước bởi việc kè mái 45 độ và bê tông hóa đã thu hẹp dòng chảy.
Một câu hỏi được nhiều người dân quan tâm là khu vực lõi của nội đô như khu phố cổ cũng có mật độ dân số sinh sống đông nhưng lại không bị ngập úng như nhiều khu vực mới được đầu tư xây dựng phát triển khác mà điển hình là phía Tây Hà Nội. Tốc độ phát triển của khu vực phía Tây có thời điểm khiến người ta chóng mặt với sự gia tăng nhanh của nhiều khu đô thị mới. Điều này đồng nghĩa với việc khu vực này được đầu tư mới hoàn toàn hệ thống hạ tầng. Tuy nhiên, ngay cả khu vực có tòa nhà hiện đại và cao nhất thành phố là Keangnam cũng chịu cảnh “bốn bề mênh mông nước” sau những trận mưa lớn.
Lý giải về điều này, ông Đăng cho rằng, việc thoát nước khu phía Tây vẫn dựa trên hệ thống tưới tiêu nông nghiệp chứ chưa đầu tư hệ thống thoát nước đô thị. Khi khu vực này còn là đồng ruộng, ao hồ thì rất dễ thoát nước vì mưa ngấm xuống đất. Nhưng nay đã “bê tông hóa” thì nước không thể thấm xuống bê tông nên bị ứ đọng trên diện rộng. Mặt khác, cốt nền tại nhiều khu đô thị mới không đồng nhất, khu vực xây dựng sau hay cao hơn khu vực trước, thậm chí nhiều tuyến đường mới cốt nền thường cao hơn nhà dân, gây ngập cục bộ.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng ngập nước được các chuyên gia nhận định là do mưa và thủy triều. Khu vực này có vùng trũng thấp, rộng ước khoảng 255.000 ha; trong đó 80.000 ha của tỉnh Long An, nằm ở vùng cửa của nhiều con sông lớn thuộc hệ thống sông Đồng Nai, nên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những biến động dòng chảy trên sông, dòng triều trên biển.
Địa hình thấp trũng, hướng ra biển với trên 60% đất đai thành phố có cao trình thấp dưới 2 m, những vùng trũng thấp có cao trình từ 0 m - 0,5 m là những vùng ngập triều thường xuyên (đất hoang hóa và rừng). Bởi vậy, yếu tố địa hình ảnh hưởng khá rõ đến khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.
Mặc dù các dự án hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phát huy hiệu quả tiêu thoát nước vùng lõi nội đô khu vực Thành phố Hồ Chí Minh nhưng nếu mức nước triều dự kiến vẫn lên đến đỉnh 1,58 m thì sẽ lại là thách thức lớn đối với các dự án chống ngập của thành phố, nhất là khi hệ thống tiêu thoát thiết kế theo các thông số cũ đã lạc hậu.
Quy hoạch đô thị nên có tầm nhìn dài hạn
Theo Cục Phát triển Hạ tầng (Bộ Xây dựng), Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Thực tế những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng trên cả nước nói chung đã thường xuyên phải chịu tác động của thiên tai, đặc biệt là bão lớn, lũ lụt, hạn hán và nhiễm mặn.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, tạo ra thách thức về mặt quy hoạch để đảm bảo đáp ứng cơ sở hạ tầng cho đô thị mở rộng. Tại một số nơi, quản lý và thực hiện quy hoạch còn chưa nghiêm, kém hiệu quả. Việc phân bổ vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng theo quy hoạch vẫn còn dàn trải và kém đồng bộ. Hiện tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 35,7%; quy hoạch chung đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu đạt 75%, quy hoạch chi tiết đạt 35%, quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100%.
Mặc dù nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong những năm gần đây vẫn liên tục tăng nhưng tỷ trọng so với tổng đầu tư xã hội có xu hướng giảm và chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách. Trong khi đó, nguồn hỗ trợ ODA sẽ ngày càng giảm khi GDP trên đầu người của Việt Nam vượt ngưỡng thu nhập mà nhà tài trợ quy định. Cùng đó, việc huy động vốn từ khu vực tư nhân còn gặp nhiều khó khăn và chưa huy động được giá trị đất đai thành nguồn lực to lớn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Xét về góc độ quản lý vận hành hệ thống hạ tầng đô thị, các chuyên gia nhận xét vẫn chưa dành tỷ lệ vốn thích đáng cho công tác bảo trì, bảo dưỡng hệ thống khiến tình trạng xuống cấp tiếp tục diễn ra. Trình độ năng lực quản lý, vận hành, bảo dưỡng của các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ này còn yếu, không đáp ứng được sự phức tạp của hệ thống, chưa theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Hiện quy hoạch thoát nước ở các đô thị mới chỉ được lồng ghép trong các đồ án quy hoạch chung phát triển đô thị chứ chưa được quản lý tổng hợp theo lưu vực sông. Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam Ngô Quang Hùng cho rằng, giữ hành lang không gian mở sẽ giúp khu vực này giảm bớt úng ngập trước biến đổi khí hậu.
Bởi vậy, quy hoạch đô thị nên có tầm nhìn dài hạn, nhất là phải khống chế mật độ xây dựng. Các công trình phải được thiết kế và xây dựng đồng bộ, thông số kỹ thuật hợp lý; không cấp phép xây dựng tại những nơi nguy cơ ngập cao. Chiến lược phát triển đô thị bền vững rất quan trọng và phải đảm bảo các yếu tố này.