Vấn đề đặt ra ở đây là giao thông liên vùng cần được tập trung triển khai để vừa giải quyết bài toán ách tắc, phát triển kinh tế mà còn tháo gỡ những khó khăn trong quá trình phát triển đô thị của TP Hồ Chí Minh.
Giải quyết vấn đề nội tại Nhiều ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị cho rằng, trong quá trình phát triển đô thị thì phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản là hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải “đi trước một bước” mới đảm bảo cho đô thị phát triển bền vững.
Một góc đô thị thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao. Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Cụ thể là khi có một dự án công trình có hệ số sử dụng đất và tầng cao lớn chỉ được phép xây dựng khi đồng bộ với việc đầu tư, cải tạo phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; trong đó, có hệ thống giao thông và nhất là hệ thống giao thông công cộng.
Thế nhưng thời gian qua, có một thực trạng phổ biến là khi các cơ quan quản lý nhà nước chưa có câu trả lời chính xác về thời điểm hoàn thành hệ thống giao thông nói trên thì đã cho phép đầu tư hàng loạt công trình lớn. Điều này đã gây ra nhiều hệ lụy trong việc quản lý đô thị tại TP Hồ Chí Minh.
Do vậy, thành phố cần phải xem xét lại việc quản lý phát triển đô thị đang thực hiện trong thời gian qua. Cụ thể, thành phố chỉ chấp thuận cho đầu tư khi thống nhất được kế hoạch xây dựng đảm bảo khi công trình hoàn thành đưa vào khai thác cũng là lúc hệ thống giao thông nói chung, hay hệ thống giao thông công cộng nói riêng đi vào hoạt động.
Để tuân thủ nguyên tắc này, một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị khuyến nghị, TP Hồ Chí Minh cần phải xây dựng kế hoạch quản lý phát triển đô thị. Đây là một kế hoạch có tích hợp các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị và các quy hoạch ngành đã được phê duyệt trước đây.
Từ kế hoạch này sẽ có được các kịch bản đầu tư phát triển đô thị phù hợp với nhu cầu từng khu vực, từng giai đoạn. Cụ thể, nơi nào người dân ở nhiều và phù hợp với mục tiêu phát triển đô thị thì thành phố phải tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư hoặc có những giải pháp huy động vốn từ nguồn lực các thành phần kinh tế tham gia.
Đây là một bước đi rất quan trọng vì không chỉ sẽ giúp thành phố khai thác tốt nhất, tập trung và hiệu quả các nguồn lực phát triển đô thị mà còn sẽ giảm được một phần các áp lực về ách tắc giao thông, ngập nước… và điều đáng nói hơn nữa là vừa hài hòa lợi ích của nhân dân với thành phố.
Ở góc độ khác, có ý kiến cho rằng thời gian qua, thành phố quan tâm nhiều hơn với việc phát triển nhà ở thương mại mà chưa quan tâm đúng mức tới phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Do vậy, trong việc xây dựng kế hoạch quản lý phát triển đô thị thì thành phố cần ưu tiên tạo quỹ đất để xây nhà giá rẻ cho người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, sinh viên, công nhân, lao động, người nhập cư.
Cụ thể, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh kiến nghị, thành phố triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển các dự án nhà ở, nhất là căn hộ nhỏ bán, cho thuê giá rẻ là rất cần thiết.
Đầu tư hạ tầng giao thông liên vùng Vào tháng 1 vừa qua đã diễn ra cuộc họp về kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh tổ chức. Qua cuộc họp này, các Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành trong vùng đã thống nhất đề xuất Hội đồng vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thống nhất chủ trương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung mới 5 tuyến đường, điều chỉnh hàng loạt công trình giao thông để kết nối TP Hồ Chí Minh với 7 tỉnh phía Nam với tổng kinh phí đầu tư gần 100.000 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia giao thông đô thị đánh giá, đây là tín hiệu đáng mừng vì việc kết nối giao thông liên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện đang được các tỉnh, thành rất quan tâm triển khai nhằm kéo giảm ách tắc và phát triển kinh tế. Đồng thời, đây còn là tiền đề để thực hiện một chiến lược “giãn dân” mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ dừng lại ở ranh giới hành chính mà còn là “bước đi đầu tiên” để hiện thực hóa giải pháp “quản lý phát triển đô thị tại TP Hồ Chí Minh từ góc độ quy hoạch vùng” trước thách thức tăng dân số cơ học tại TP Hồ Chí Minh.
Thạc sĩ Trần Đức Tuấn, Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, các khu vực lân cận TP Hồ Chí Minh như: huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), hay các huyện, thị xã của tỉnh Bình Dương, Tây Ninh… cần được kết nối hệ thống giao thông để tạo “cú hích” mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động tại TP Hồ Chí Minh.
“Người lao động chỉ cần chi ra số tiền vài trăm triệu đồng là có thể xây dựng được ngôi nhà ở huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), trong khi ở TP Hồ Chí Minh để có được một căn nhà thì số tiền bỏ ra lớn hơn rất nhiều. Vấn đề là cần có cây cầu bắc qua sông Đồng Nai. Nếu như Nhơn Trạch, quận 2 thuộc một tỉnh thì có lẽ đã khác”, Thạc sĩ Trần Đức Tuấn dẫn chứng.
Hay như dự án căn hộ Samsora Reverside vừa mới triển khai tại phường Quyết Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương giáp ranh giới 3 tỉnh, thành: Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương có giá bán dưới 1 tỷ đồng/căn hộ, thu hút khá đông khách hàng là người dân thành phố. Nguyên nhân là do dự án căn hộ này có vị trí gần đầu tuyến metro số 1, vành đai 3, bến xe miền Đông Mới… trong tương lai sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại là dẫn chứng.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề khó khăn hiện nay là cần có cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các tỉnh, thành trong vùng. Bởi chính các địa phương lân cận là một nền tảng rất tốt để không chỉ có thể mở rộng, tối ưu hóa nguồn lực, tiền năng mà còn giải quyết những vấn đề bất cập đô thị của TP Hồ Chí Minh.
Do vậy, để tạo ra cơ chế hợp tác hiệu quả là phải thỏa mãn, hài hòa lợi ích của các bên liên quan và từ đó giải pháp “quản lý phát triển đô thị tại TP Hồ Chí Minh từ góc độ quy hoạch vùng” trước thách thức tăng dân số cơ học tại TP Hồ Chí Minh sẽ khả thi.