Những "quả ngọt" đầu tiên
Năm 2018, dự án gannha.com đã xuất sắc đoạt giải Nhất Cuộc thi IoT Startup do Khu Công nghệ cao Thành phố tổ chức và đạt Top 15 Startup Viet. Dự án này được ươm tạo tại Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP-IC), được nghiên cứu xây dựng, phát triển từ nguồn nhân lực kỹ sư công nghệ thuần Việt.
Đây là một trong những dự án tiêu biểu được ươm tạo tại SHTP-IC. Tính đến nay, tổng số dự án mà SHTP-IC đã và đang ươm tạo là 66 dự án, trong đó có tới hơn 50% dự án đã thương mại hóa sản phẩm thành công và đang tiếp tục phát triển. Đặc biệt, các dự án ươm tạo đã được chứng nhận hơn 40 sở hữu trí tuệ, hơn 10 dự án được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Theo ông Nguyễn Trung Khánh, CEO Công ty Cổ phần công nghệ TK25 (với Dự án Gannha.com), sau gần một năm thử nghiệm thực tế trên thị trường, nền tảng gannha.com đã số hóa theo chiều sâu thông tin 100.000 vị trí cửa hiệu chuỗi bán lẻ của hơn 1.300 thương hiệu chuỗi; cập nhật 7.500 chương trình giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới mỗi ngày; 4.000 lễ hội, di tích văn hóa, sự kiện du lịch tại Việt Nam. Với sự hỗ trợ của các vườn ươm, quỹ đầu tư, Dự án chờ đợi sự “bứt phá” mạnh mẽ trong thời gian tới với rất nhiều tiềm năng phát triển.
Không chỉ phát triển trong nước, năm 2019, hàng loạt các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu xuất ngoại thành công, tạo nên sự thu hút đặc biệt đối với nhiều nhà đầu tư trong khu vực cũng như khích lệ và truyền cảm hứng tích cực tới cộng đồng khởi nghiệp. Trong đó, Chương trình Runway to the world - trao đổi startup, do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Thành phố bước đầu đạt kết quả tích cực.
Runway to the world là chương trình hợp tác giữa Trung tâm với nhiều đối tác từ Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Canada. Đến nay, Runway to the world đã đưa 9 startup Việt Nam kết nối thị trường nước ngoài như các dự án: Boom Potty, Gcalls, EyeQ Tech (Malaysia); Cyfeer, Ami, Logivan (Singapore); Remit, BePOS, UpUpApp (Hàn Quốc). Sự trao đổi này cho thấy tầm kết nối của cộng đồng khởi nghiệp đang thực sự diễn ra một cách cách tự nhiên, thường xuyên, không còn đơn thuần hỗ trợ của nhà nước.
Nổi bật trong đó có Dự án Ami, phát triển phần mềm và phần cứng về quản lý cư dân, khuôn viên đại học, chuỗi cung ứng... để xây dựng nên một hệ sinh thái số hóa cho đô thị thông minh. Trong những năm gần đây, thành phố thông minh đã trở thành mô hình mẫu của nhiều đô thị hiện đại, nên là cơ hội lớn cho dự án phát triển.
Theo ông Lê Hoàng Nhật, Đồng sáng lập - Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Công nghệ BMG Ami, nền tảng công nghệ là điều kiện cần cho việc xây dựng thành phố tiêu chuẩn theo hướng kiến tạo hệ sinh thái mở, phù hợp nhu cầu thực tiễn.
Cần tích hợp các dịch vụ, hệ thống thông minh vào khung (kiến trúc) thành phố thông minh để từng bước xây dựng hệ sinh thái ứng dụng đô thị thông minh theo mô hình phát huy sáng tạo của đầy đủ các thành phần tham gia. Doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào xây dựng đô thị thông minh theo chủ trương của Thành phố Hồ Chí Minh.
Kỳ vọng những “kỳ lân” startup Việt
Theo Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Australia tại Việt Nam, mặc dù Việt Nam nằm trong top 3 ở Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng không nhiều doanh nghiệp trong số này được trang bị các kỹ năng cần thiết để phát triển mô hình kinh doanh bền vững, hoặc để phù hợp cho các dự án. Do đó, nhiều công ty khởi nghiệp địa phương hạn chế cơ hội để kết nối với hệ sinh thái khu vực.
Hầu hết các công ty khởi nghiệp địa phương có quy mô nhỏ, ở giai đoạn hạt giống, khả năng tạo ra bước đột phá hạn chế và cần được ươm tạo thêm. Trong đó, khó khăn về tài chính là một vần đề, bởi khó để thuyết phục các nhà đầu tư địa phương chấp nhận rủi ro và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu.
Từ thực tế này, Thành phố Hồ Chí Minh đã kết nối, kêu gọi các tổ chức tài chính triển khai các chương trình hỗ trợ startup phát triển, nhất là trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Với sự hỗ trợ tổng thể trên các phương diện, từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều “kỳ lân” của Việt Nam đã gọi được vốn thành công với con số hơn 670 triệu USD cho khoảng 50 thương vụ.
Riêng Thành phố Hồ Chí Minh chiếm gần 50%, với 23 thương vụ tương ứng với số vốn hơn 300 triệu USD. Trong đó có thể kể đến một số thương vụ nổi bật như: Giải pháp thanh toán VNPay, công nghệ đặt phòng nghỉ Luxstay, mô hình uber xe tải Logivan...
Mới đây, Chương trình huấn luyện khởi nghiệp Topica Founder Institute (TFI) và Quỹ đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư, hỗ trợ tất cả startup trong Chương trình TFI Founder Showcase 7.
Theo đó, tất cả 6 startup tốt nghiệp TFI Founder Showcase 7 vào tháng 9/2019, đều được nhận khoản đầu tư 50.000 USD. Đây cũng là lần đầu tiên một Quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng cam kết đầu tư một nguồn vốn cố định hàng năm cho các dự án startup mà không cần xem xét hay đánh giá khả năng thành công của dự án.
Ông Bobby Liu, đồng Giám đốc TFI chia sẻ: “Chương trình là một khóa hết sức đặc biệt khi lần đầu tiên chúng tôi ký kết thỏa thuận hợp tác với một Quỹ đầu tư để hỗ trợ cho các học viên tốt nghiệp, ươm mầm những startup tiềm năng và đào tạo những nhà sáng lập xuất sắc. Chúng tôi đang chờ đợi để chứng kiến sự phát triển của các startup sau khi nhận đầu tư và hy vọng có thể đóng góp một phần vào việc nuôi dưỡng những "kỳ lân" tương lai của Việt Nam”.
Được xem là một “Uber” cho Telemarketing (tiếp thị qua điện thoại), Telepro khởi động từ tháng 5/2018 với định hướng để lắng nghe và tiếp nhận các phản hồi từ phía thị trường nhằm phát triển mô hình phù hợp. Thị trường Telemarketing không phải là một thị trường mới và Telepro cũng không phải là doanh nghiệp duy nhất cung cấp dịch vụ này.
Theo ông Hiếu Nguyễn, Nhà sáng lập - CEO của Telepro, Telepro muốn hỗ trợ các công ty tăng trưởng một cách nhanh chóng và bền vững bằng việc thay đổi cách làm Telemarketing như hiện nay. Điều làm nên sự khác biệt của chúng tôi chính là công nghệ. Telepro cho phép tư vấn viên chủ động về thời gian và địa điểm gọi điện.
Sau khi tốt nghiệp TFI, Telepro đặt tham vọng trở thành công ty BPO (dịch vụ thuê ngoài) về tiếp thị qua điện thoại lớn nhất mà không sở hữu bất kì một nhân viên tiếp thị nào.
“Ở thời điểm hiện tại, xu hướng làm việc nêu trên vẫn còn khá mới với Việt Nam, thậm chí cả châu Á, vì vậy chúng tôi cần phát triển nhanh nhất có thể để trở thành người tiên phong cho xu hướng này. Chúng tôi có số lượng lớn các tư vấn viên gắn bó, nhờ đó có thể giúp các công ty gọi được số lượng khách hàng rất lớn trong thời gian ngắn mà hầu như không có phí trả trước”, ông Hiếu Nguyễn chia sẻ.
Cùng với những hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, sự tham gia của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước đã góp phần hình thành cộng đồng khởi nghiệp ngày càng lớn mạnh tại Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục định hướng xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp lớn mạnh, với những mô hình mới, sự hợp tác công - tư, đáp ứng nhu cầu thực phát triển của cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn.
Bài cuối: Hình thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đặc thù