UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện trong năm 2024. Mô hình được triển khai tại địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa. Theo đó, người dân tham gia dự án “Mô hình trồng nấm chi đỏ dưới tán rừng keo lai và cà phê” sẽ được hỗ trợ giống, vật tư, phân bón và các hoạt động triển khai thực hiện mô hình; trong đó, hỗ trợ 70% chi phí mua giống linh chi đỏ, hỗ trợ 70 % hệ thống tưới, lưới thép bảo vệ, hỗ trợ công kỹ thuật theo dõi, chỉ đạo mô hình...
Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, hiện nay nhiều địa phương trên cả nước đã trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sinh kế dưới tán rừng cho người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao thu nhập, hạn chế tình trạng lấn chiếm, phá rừng. Do đó, Quảng Trị triển khai trồng thử nghiệm Mô hình trồng nấm chi đỏ dưới tán rừng keo lai và cà phê nhằm đánh giá tính phù hợp, xây dựng quy trình trồng, chăm sóc nấm linh chi đỏ dưới tán rừng trồng để làm cơ sở nhân rộng trong thời gian tới, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số bản địa.
Nấm linh chi đỏ từ xưa đã được biết đến là một trong những loại dược liệu quý với nhiều công dụng như: ổn định huyết áp; cân bằng chỉ số cholesterol; hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch; giảm căng thẳng, mệt mỏi; tăng cường chức năng cho thận, gan; tạo hệ thống miễn dịch... Loại nấm này có thể sử dụng tươi, khô hoặc có thể nghiền để làm thức ăn hoặc dược liệu. Ngoài việc mang lại nguồn cây dược liệu quý, giá trị kinh tế cao, sau khi khai thác nấm linh chi đỏ thì rễ cây tư hoai trong đất trở thành nguồn phân bón dinh dưỡng hưu cơ tốt, góp phần bảo vệ đất, nguồn nước và môi trường.