Sản phẩm trong vụ việc điều tra được xác định là sản phẩm xi măng theo các mã định danh thuế quan hài hòa chung trong Asean (AHTN – Asean Harmonised Tariff Nomenclature) là AHTN 2523.29.90 và AHTN 2523.90.00
Vụ việc được Bộ Công Thương Philippines khởi xướng điều tra sơ bộ theo quy định tại Điều 6, Luật điều tra tự vệ số 8800 (Safeguard Measure Act – Repulic Act No. 8800) trên cơ sở các thông tin ban đầu do Cục Hải quan Philippines và các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Philippines cung cấp cho thấy sự gia tăng của xi măng nhập khẩu đã dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất xi măng trong nước.
Trong danh sách doanh nghiệp xuất khẩu xi măng vào Philippines do Cục Hải quan Philippines cung cấp cho cơ quan điều tra có 18 doanh nghiệp Việt Nam. Cơ quan điều tra (Bộ Công Thương Philippines) sẽ đặt ra các câu hỏi và yêu cầu các doanh nghiệp có liên quan trả lời và cung cấp thông tin.
Theo thông tin sơ bộ của Cơ quan điều tra, trong giai đoạn 2019 đến 2024, có những thời điểm xi măng Việt Nam chiếm 98% trong tổng lượng xi măng nhập khẩu vào thị trường Philippines. Với thông tin như trên, có thể thấy việc Bộ Công Thương Philippines khởi xướng điều tra sơ bộ theo biện pháp tự vệ đối với xi măng nhập khẩu từ một số nước vào thị trường Philippines nhưng chủ yếu nhắm tới xi măng nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước đây, Philippines cũng đã từng điều tra và áp thuế tự vệ tạm thời đối với xi măng Việt Nam, đồng thời điều tra chống bán phá giá đối với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam. Đến năm 2022, mặc dù Ủy ban thuế Philippines kiến nghị tiếp tục áp thuế tự vệ đối với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam nhưng Bộ Công Thương Philippines đã không đồng tình và quyết định không tiếp tục áp thuế tự vệ mà chỉ áp thuế chống bán phá giá đối với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, việc Bộ Công Thương Philippines lại tiếp tục khởi xướng điều tra tự vệ xi măng Việt Nam là một động thái mới nhằm tạo thêm gánh nặng thuế cho xi măng Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Philippines, qua đó bảo vệ ngành sản xuất xi măng trong nước. Điều này sẽ tạo thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu xi măng của Việt Nam.
Nếu như trong điều tra chống bán phá giá, cơ quan điều tra phải điều tra đối với từng doanh nghiệp xuất khẩu và áp thuế chống bán phá giá riêng đối với từng doanh nghiệp thì trong điều tra tự vệ sẽ điều tra và áp thuế chung. Sự khác biệt của điều tra tự vệ là trong điều tra tự vệ, phía Philippines sẽ điều tra và áp thuế đối với tất cả các nguồn xi măng nhập khẩu (quốc gia) và mức thuế áp cho doanh nghiệp là như nhau (tức là doanh nghiệp bị áp cùng một mức thuế). Đây chính là điểm mà các doanh nghiệp trong nước cần lưu ý để tập hợp lại cùng nhau có tiếng nói, chia sẻ thông tin nhằm đảm bảo tốt nhất lợi ích của ngành xi măng trong nước.
Nội dung chính của điều tra tự vệ là cơ quan điều tra xem xét đánh giá mức độ “thiệt hại nghiêm trọng” của ngành sản xuất trong nước do tác động của xi măng nhập khẩu, không điều tra cụ thể giá bán của từng doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, phương án tốt nhất là Hiệp hội hoặc tổ chức của doanh nghiệp ngành xi măng trong nước đứng ra tổ chức cho doanh nghiệp cùng nhau xem xét, có tiếng nói chung với cơ quan điều tra của Philippines trong việc xem xét và phân tích các “thiệt hại nghiêm trọng” thực tế và mối quan hệ nhân quả giữa những thiệt hại này với việc gia tăng khối lượng của xi măng nhập khẩu. Đây chính là chìa khóa để bảo vệ ngành xi măng trong nước trước cuộc điều tra tự vệ của cơ quan có thẩm quyền của Philippines.