Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã biểu dương những thành công mà EVN thực hiện được trong năm qua.
“Trước hết, EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Đây là nhiệm vụ quan trọng EVN đã làm rất tốt”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng cũng cho hay, hiệu quả sản xuất – kinh doanh của EVN đạt và vượt mục tiêu đề ra. Năm 2020, EVN đã thực hiện nhiều giải pháp về kỹ thuật, về tài chính, đảm bảo Công ty mẹ và các đơn vị đều có lãi. Lợi nhuận Công ty mẹ ước đạt 1.527 tỷ đồng, vượt kế hoạch. Nộp ngân sách 27.800 tỷ đồng.
Chỉ tiêu tổn thất điện năng ước đạt 6,42% vượt chỉ tiêu đề ra (6,5%), đứng thứ 3 khu vực ASEAN và đã tiệm cận với tổn thất điện năng của các nước phát triển.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cần phải khắc phục trong thời gian tới. Do vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam với nhiệm vụ năm 2021 và những năm tới là hết sức nặng nề.
Để đảm bảo an ninh cung ứng điện, cung cấp đầy đủ điện năng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội, EVN phải phát triển hạ tầng ngành điện đồng bộ, thông minh và hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phải khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng...
EVN cũng cần chủ động để sản xuất được một số thiết bị chính trong ngành; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại; đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng; phải nâng cao hơn nữa khâu dịch vụ khách hàng, tiếp tục phát huy thành tích tiên phong phục vụ người dân và doanh nghiệp qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
“Để làm được điều đó, phải phát triển EVN thành tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ quản lý hiện đại và chuyên môn hoá cao, hội nhập quốc tế; sản xuất kinh doanh điện năng, tư vấn điện có hiệu quả, phát triển bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh của tập đoàn, không chỉ trong nước mà ở cả khu vực và thế giới”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh các thủ tục về quản lý vốn, tài sản, đầu tư xây dựng để EVN thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao; các địa phương cùng với EVN quản lý chặt chẽ các hồ, đập, công trình điện; tạo thuận lợi về mặt bằng để tập đoàn triển khai các công trình, dự án đúng tiến độ...
Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN, trong 2021 và những năm tiếp theo, tập đoàn tiếp tục thực hiện mục tiêu quan trọng là đảm bảo cung ứng đầy đủ, an toàn và ổn định điện cho phát triển kinh tế – xã hội.
Năm 2021, EVN đặt mục tiêu vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân; xây dựng kế hoạch cung cấp điện hàng tháng để điều hành hệ thống điện an toàn và tin cậy, khai thác hiệu quả các nguồn điện; chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi.
Trong năm nay, EVN đặt mục tiêu điện thương phẩm đạt hơn 228 tỷ kWh, tăng 5,16% so với năm 2020; chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện như chỉ số SAIDI (Chỉ số về thời gian mất điện trung bình của lưới điện phân phối) thấp hơn 349 phút, tỷ lệ tổn thất điện năng toàn tập đoàn dưới 6,35%; chỉ số tiếp cận điện năng duy trì vị trí trong ASEAN 4; tiếp tục bảo toàn và phát triển vốn; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, kinh doanh có lợi nhuận.
Để đảm bảo kế hoạch trên, ông Dương Quang Thành cho hay, tập đoàn xây dựng kế hoạch cung cấp điện hàng tháng để điều hành hệ thống điện an toàn và tin cậy, khai thác hiệu quả các nguồn điện; chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi; chủ động trong việc cung cấp, nhập khẩu than, khí cho phát điện; phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy lợi, các địa phương để cấp nước phục vụ gieo cấy vụ Xuân 2020-2021 đảm bảo hiệu quả cao nhất. Đồng thời siết chặt kỷ luật vận hành không để xảy ra sự cố chủ quan.
Trong đó, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia tập trung theo dõi, cập nhật các yếu tố về sản xuất điện và nhu cầu phụ tải, điều hành thị trường điện đúng quy định; vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy, đảm bảo hiệu quả phát điện gắn với giảm tổn thất điện năng, tận dụng tài nguyên nước, đáp ứng các yêu cầu cấp nước cho hạ du; các đơn vị phát điện nâng cao độ tin cậy, khả năng phát điện các tổ máy đáp ứng yêu cầu huy động của A0; đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện.
Các công ty thủy điện phối hợp tốt với các địa phương sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước; vận hành bám quy trình hồ chứa; điều tiết nước, xả lũ đúng quy định. Tập đoàn sẽ vận hành an toàn, tin cậy hệ thống điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500 kV Bắc-Nam và hoàn thành đúng tiến độ các công trình lưới điện.
Ngoài ra, tập đoàn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án nguồn và lưới điện, đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án, bằng các giải pháp như: Hoàn thiện mô hình tổ chức và nâng cao năng lực nhân sự; thu xếp đủ và kịp vốn cho đầu tư xây dựng; cải tiến công tác chuẩn bị đầu tư để hiệu quả hơn và kiểm soát chặt chẽ giai đoạn thực hiện đầu tư; nâng cao chất lượng và rút ngắn tiến độ giai đoạn kết thúc đầu tư...
Đối với dịch vụ khách hàng, EVN tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng, tập trung thực hiện “một cửa liên thông” giữa đơn vị điện lực và các cơ quan quản lý nhà nước; điện tử hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện, tỷ lệ giao dịch điện tử đạt trên 95% và tỷ lệ dịch vụ cung cấp trực tuyến cấp độ 4 đạt trên 80%; nâng cao chất lượng thu tiền điện đạt ≥ 99,7%...
Theo báo cáo của EVN tại hội nghị, trong năm 2020, EVN gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như: trong các tháng đầu năm nhu cầu điện tăng cao trong khi hệ thống điện gần như không có dự phòng về nguồn điện, đầu tư xây dựng gặp nhiều vướng mắc do các quy định hiện hành còn thiếu đồng bộ, khó khăn trong việc chuyển đổi đất rừng, giải phóng mặt bằng, thủ tục trong thu xếp vốn... Đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng phát và tình hình thiên tai bão lũ diễn ra liên tiếp đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng các dự án điện của EVN.
Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300MW, tăng gần 14.000MW so với năm 2019; trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 17.430MW (tăng 11.780MW so với năm 2019) và chiếm tỷ trọng 25,3%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 23 thế giới.
EVN đã hoàn thành tích hợp toàn bộ 12/12 dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia và là đơn vị tiên phong chuyển đổi dịch vụ thanh toán tiền điện sang nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các dịch vụ điện thuộc nhóm các dịch vụ nổi bật, được nhiều người sử dụng nhất, chiếm tỷ lệ 77,16% số yêu cầu cung ứng dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
EVN đã triển khai thí điểm việc tích hợp các hệ thống kỹ thuật và kinh doanh nhằm giảm số thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu cấp điện mới. Vì vậy, thời gian giải quyết các thủ tục cấp điện trung áp của Điện lực bình quân là 3,17 ngày, giảm 0,66 ngày so với năm 2019; Thời gian cấp điện qua lưới điện hạ áp bình quân cho khách hàng sinh hoạt khu vực thành phố/thị xã/thị trấn là 2,27 ngày, khu vực nông thôn là 2,67 ngày và khách hàng ngoài sinh hoạt là 2,66 ngày.
Đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi tiếp tục được chú trọng, đặc biệt khu vực chưa có điện. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước, các đơn vị đã chủ động thu xếp các nguồn vốn với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng để cấp điện cho gần 14.000 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Kon Tum, Bạc Liêu...
Về cấp điện hải đảo, trong năm 2020, các tổng công ty điện lực đã hoàn thành các dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho xã đảo Nhơn Châu (Bình Định), đảo Trần (Quảng Ninh); triển khai dự án Cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) và tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cấp điện tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đáp ứng nhu cầu điện phục vụ đời sống của cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên huyện đảo.
Các tổng công ty điện lực đã tập trung thực hiện đầu tư lưới điện nông thôn góp phần nâng cao tỷ lệ số xã nông thôn đạt tiêu chí số 4 (tiêu chí về điện) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới lên 87,9%. Tính đến cuối năm 2020, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,54%; trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,3%.