Phối hợp gỡ vướng về vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam

Sáng 25/3, Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận liên quan đến việc giải phóng mặt bằng và cung cấp vật liệu đất đắp nền cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh. 

Chú thích ảnh
Máy móc lu đường sau khi cấp phối đá dăm trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Công Phong/TTXVN

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160,3 km, gồm 3 dự án thành phần: Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây. 

Đến nay, việc giải phóng mặt bằng dự án đã hoàn thành 100% bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 2.4/2.4 hộ gia đình và tổ chức; hoàn thành xây dựng 5/5 khu tái định cư; hoàn thành di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (giai đoạn 1) ảnh hưởng đến mặt bằng thi công của dự án gồm: Hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống viễn thông, điện trung hạ thế, điện cao thế 110 kV... 

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 7, đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cần khoảng 9,2 triệu m3 đất đắp nền phục vụ thi công. Tính đến tháng 3/2022, số lượng đắp nền phục vụ thi công còn thiếu khoảng 2,4 triệu m3. Do đó, Ban Quản lý dự án 7 đề nghị cấp phép bổ sung mỏ vật liệu xây dựng phục vụ thi công cao tốc áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ. 

Đồng thời, Ban Quản lý dự án 7 cũng kiến nghị sớm đẩy nhanh thủ tục cấp phép khai thác và các thủ tục sau cấp phép để đủ cơ sở pháp lý khai thác đất cung cấp cho dự án. 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam đã tháo gỡ, giảm bớt thủ tục nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu và thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ. Đối với đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đang tiếp tục hoàn tất thủ tục cấp phép đối với các mỏ được đề xuất. 

Tại buổi làm việc, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án 7 tiếp tục yêu cầu các nhà đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với địa phương, xác định nhu cầu khai thác chính xác, hạn chế việc thay đổi nhu cầu khi đang triển khai các thủ tục để tránh phải thay đổi, làm lại các thủ tục, ảnh hưởng đến tiến độ chung. Đồng thời đề nghị chỉ đạo nhà thầu không được tiêu thụ, sử dung khoáng sản khai thác trái phép để thi công công trình. 

Phát biểu tại buổi làm việc Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đánh giá: việc giải phóng mặt bằng hiện nay đã hoàn thành, các đơn vị cần tập trung giải quyết vấn đề liên quan công trình công cộng như di dời đường điện cao thế, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn giải phóng mặt bằng… Vấn đề này hiện không ảnh hưởng đến thi công nhưng là một công đoàn phải hoàn thành sớm trong thực hiện dự án.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, đối với nhu cầu về khối lượng vật liệu đất đắp phục vụ thi công cao tốc, các đơn vị khẩn trương phối hợp giải quyết các vướng mắc liên quan; ưu tiên xử lý cấp phép các mỏ có khối lượng lớn để phục vụ thi công cao tốc, đảm bảo triển khai đúng tiến độ. Đối với các vướng mắc phát sinh, các đơn vị cần phải báo cáo ngay để xin ý kiến cấp thẩm quyền để có hướng xử lý sớm nhất.

Nguyễn Thanh (TTXVN)
Đề nghị 12 địa phương quản lý chặt chẽ mặt bằng cao tốc Bắc - Nam
Đề nghị 12 địa phương quản lý chặt chẽ mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi UBND 12 tỉnh, thành phố gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau về triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN