Tiết trời âm u, mưa phùn tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, đặc biệt là các bệnh đạo ôn, sâu quấn lá gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp. Bà con nông dân cần có những biện pháp kịp thời ngăn chặn và chủ động phòng trừ, hạn chế thấp nhất thiệt hại với cây lúa.
Phun thuốc trừ bệnh cho lúa vụ đông xuân. |
Nhiều diện tích lúa bị bệnh
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, thời tiết ngày 15/3 ở các tỉnh phía Ðông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội vẫn có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù vào buổi sáng và đêm. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế nhiều mây, có mưa, sáng sớm có sương mù rải rác, gió nhẹ.
Diễn biến thời tiết như vậy liên tiếp trong những ngày gần đây đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Tại Thanh Hóa, do những ngày vừa qua thời tiết âm u, xen kẽ mưa phùn tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, đặc biệt là các bệnh đạo ôn, sâu quấn lá lớn, sâu quấn lá bé. Tại Hà Tĩnh, tính đến ngày 13/3 đã có 441,7 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn; trong đó, 28 ha bị nhiễm nặng, tập trung chủ yếu trên các giống lúa như: Xi23, NX30, P6, PC6... Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh, thời tiết mưa phùn, độ ẩm không khí cao kết hợp với cây lúa đang giai đoạn phát triển mạnh về thân lá sau thời kỳ bón thúc đẻ nhánh là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên diện rộng.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), thời tiết mưa ẩm sẽ khiến bệnh đạo ôn hại lá tiếp tục phát sinh và gây hại diện rộng đối với lúa giai đoạn đẻ nhánh rộ đến đứng cái, nhất là trên các giống nhiễm (Xi 23, IR 1820, X21, BC 15, NX 30, BC 15, AC 5, nếp...); có khả năng hại nặng cục bộ (gây cháy chòm) trên những chân đất cát pha, thịt nhẹ ven sông ven biển, vùng bán sơn địa và những ruộng bón nhiều đạm, phun nhiều chất kích thích sinh trưởng... tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Chủ động phòng chống
Trước tình trạng trên, các địa phương đã tích cực tiến hành nhiều biện pháp phòng chống sâu bệnh cho cây lúa. Tại Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Công điện khẩn yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT và các sở, ngành liên quan bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện những diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn để hướng dẫn bà con nông dân khoanh vùng, phòng trừ kịp thời bằng các loại thuốc hóa học như: Stamonas 45WP, Filia 525SC, Fukasu 42WP, Funhat 40WP, Citiusa 650WP, Bidizole 750WP... Việc tiến hành phun thuốc thực hiện khi bệnh chớm xuất hiện, phun khi trời tạnh ráo. Mực nước thích hợp trên ruộng được duy trì, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa sinh trưởng tốt và nâng cao khả năng kháng bệnh. Đồng thời bà con cần ngừng việc bón đạm và phun các loại chế phẩm có chứa đạm tại các ruộng thừa đạm và có nguy cơ bùng phát dịch.
Khi bệnh đạo ôn chớm xuất hiện cần phải phun hỗn hợp Beam 75WP và thuốc trừ vi khuẩn sinh học Bonny 4SL với liều phun 25 gr Beam 75WP + 60 ml Bonny 4SL trên 1.000 m2. Nếu xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ có thể phun thuốc trừ sâu sinh học Mimic 20SC, liều phun 75 ml thuốc Mimic 20SC trên 1.000 m2. Có thể phối hợp với Altach 5EC để tăng khả năng diệt sâu nhanh hơn, hoặc phun riêng Wellof 330EC với liều 0,8 - 1 lít/ha. Khi rầy nâu xuất hiện với mật độ cao có thể phun Applaud 10WP (1,5 - 2 kg/ha) hoặc rải Wellof 3GR (12 kg/ha). Cục Bảo vệ thực vật |
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa chủ động triển khai đồng bộ các phương án phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Riêng tại các huyện Đông Sơn, Hậu Lộc và Tĩnh Gia đã xuất hiện bệnh đạo ôn với tỷ lệ phổ biến từ 1 - 3%, có nơi lên tới 5% diện tích lúa. Tại đây chính quyền địa phương đã yêu cầu nông dân ngừng hẳn việc bón phân, không phun thuốc kích thích sinh trưởng.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên cho biết, từ lúc người dân phun thuốc thời điểm cây lúa làm đòng cũng đã lưu ý nên giữ nước trên ruộng từ 3 - 5 cm, không để ruộng khô nước nhằm tăng sức chống chịu cho cây lúa. Đối với những ruộng bị bệnh nặng, cần tiến hành kiểm tra lại sau phun và có thể phun lần 2 sau 5 - 7 ngày nếu thấy bệnh vẫn còn khả năng phát triển mạnh.
Cục Bảo vệ thực vật cũng khuyến cáo, bà con nông dân cần kiểm tra đồng ruộng thường xuyên để phát hiện sớm và phòng trị kịp thời. Khi bệnh chớm xuất hiện cần phải phun hỗn hợp thuốc đặc trị. Cùng giai đoạn nếu có xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ có thể phun thuốc trừ sâu sinh học. Cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc cán bộ kỹ thuật tích cực thăm đồng, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh, dự báo chính xác và phát hiện kịp thời để hướng dẫn nông dân các giải pháp phòng, chống sâu bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
X.Phong - BKT