Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đến năm 2020 tỉnh Phú Yên có 27.000 lồng nuôi tôm hùm. Tuy vậy, đến cuối tháng 6 năm nay chỉ riêng thị xã Sông Cầu đã thả nuôi 80.448 lồng, nhưng có đến 23.227 lồng ngoài phân vùng quy hoạch; trong đó, lồng nuôi ương là 7.954 lồng và nuôi thương phẩm là 15.323 lồng.
Tương tự, huyện Tuy An có 447 hộ thả nuôi 7.126 lồng, bè phần lớn là ương hoặc nuôi tôm hùm hoặc nuôi tôm hùm thương phẩm xen với các loài thủy sản khác nhưL cá mú, cá bớp, cá chẽm, cá hồng… Riêng trong khu vực Thắng cảnh cấp quốc gia gành Đá Đĩa thuộc địa bàn xã An Ninh Đông có 18 bè nuôi tôm hùm của người dân xã này đang thả nuôi. Mỗi bè chiếm diện tích mặt nước từ 120 - 150 m2. Ngoài ra, trong khu vực này còn có tình trạng người dân chuyển lồng, bè ương nuôi tôm hùm từ nơi khác đến để thả nuôi, gây ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường.
Mấy năm gần đây mặc dù thường xảy ra dịch bệnh nhưng nghề nuôi tôm hùm mang lại hiệu quả cao so với các loài thủy sản khác nên người dân Phú Yên đầu tư mở rộng lồng bè nuôi. Đáng chú ý là người dân đã tự phát tăng số lồng nuôi trên mỗi hecta mặt nước ít nhất 75 lồng, trong khi theo quy định chỉ từ 30 lồng đến 60 lồng/ha.
Ngoài ra, mật độ thả nuôi trong mỗi lồng từ 100 - 200 con tôm hùm thương phẩm, gấp nhiều lần so với quy định là 50 con/lồng. Mật độ nuôi dày cộng với lượng thức ăn tươi sống dư thừa thải ra môi trường dẫn đến vùng nuôi bị quá tải, ngày càng ô nhiễm và dịch bệnh trên tôm hùm mấy nằm gần đây không giảm.
Theo ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên, tại các vùng nuôi tôm hùm, nguồn ô nhiễm trong môi trường nước có rất nhiều yếu tố như: chất thải sinh hoạt, lượng thức ăn thừa trong quá trình nuôi, vỏ tôm hùm khi lột xác nhưng người nuôi không thu hồi để đưa vào đất liền chôn lấp mà thả ngay xuống đáy, khiến trầm tích trong tầng đáy báo động rất cao.
Qua kiểm tra thực địa, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên trực tiếp chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương có liên quan tăng cường công tác quản lý. Đồng thời, khắc phục ngay tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát không theo quy hoạch gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh và phá vỡ quy hoạch, cảnh quan các di tích thắng cảnh cấp quốc gia, nhất là vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu), gành Đá Đĩa (huyện Tuy An)….
UBND tỉnh Phú Yên cũng đã ban hành quy định về quản lý lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển của tỉnh. Cùng đó, đang lập quy hoạch chi tiết mặt nước nuôi trồng thủy sản trong vịnh Xuân Đài rộng 747 ha; triển khai mô hình thí điểm giám sát tự động chất lượng nguồn nước vùng nuôi và thành lập các tổ quản lý cộng đồng nuôi trồng thủy sản…
Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên cũng khuyến cáo, người nuôi cần giảm mật độ lồng nuôi cũng như san thưa mật độ tôm nuôi trong mỗi lồng, nâng lồng nuôi để tránh thiếu oxy cục bộ. Các hộ nuôi tôm hùm cần quản lý tốt lượng thức ăn và cần giảm 50% lượng thức ăn để tránh tình trạng dư thừa. Đồng thời, bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm hùm trong điều kiện thời tiết thay đổi và tác nhân gây bệnh.
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, "chúng ta cần phải tuân thủ đúng quy hoạch của vùng nuôi, số lượng lồng nuôi và số tôm trong lồng nuôi. Nếu số lượng lồng nuôi lớn, mật độ nuôi dày thì dẫn đến chất lượng môi trường nước bị suy thoái. Tôm thả xuống sẽ không thể phát triển mà kéo theo đó là rủi ro về dịch bệnh. Các hộ nuôi cứ tiếp tục kiểu thả nuôi như thế này thì thiệt hại sẽ nối tiếp thiệt hại".
Theo Quyết định Quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2020 tỉnh Phú Yên đạt sản lượng 950 tấn tôm hùm thương phẩm, tăng từ 300-450 tấn so với những năm vừa qua.