Hai huyện Krông Bông và Lắk nằm đầu nguồn lưu vực sông Sêrêpốk có tiềm năng lớn về lâm nghiệp ở Tây Nguyên. Rừng có vai trò quan trọng trong phòng chống xói mòn đất, điều tiết nguồn nước, hạn chế thiên tai. Đặc biệt, đất và rừng là nguồn sinh kế đặc biệt của người dân lưu vực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Tuy nhiên, những năm gần đây rừng ở lưu vực đang bị suy giảm cả về diện tích và chất lượng. Cụ thể, tại huyện Krông Bông từ năm 2010-2017 diện tích rừng giảm gần 13.000 ha. Tại huyện Lắk, trong hai năm từ 2015-2017 diện tích rừng và đất lâm nghiệp giảm 121,41 ha.
Kết quả nghiên cứu thực tế của Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới và nhóm nghiên cứu của Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên tại 8 thôn, buôn thuộc 4 xã của hai huyện Krông Bông, Lắk cho thấy, diện tích rừng suy giảm chủ yếu do tình trạng phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp để canh tác, người dân tự phát chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.
Cùng với đó, rừng giao cho hộ gia đình, cộng đồng, Ủy ban nhân dân các xã bị suy giảm là do lơ là trong quản lý, bảo vệ. Một số địa phương rừng giao cho doanh nghiệp trồng rừng chậm triển khai, không đầu tư, không quản lý, bảo vệ dẫn đến rừng bị lấn chiếm. Đặc biệt, tại nhiều địa phương thu nhập từ rừng không có hoặc quá ít, chưa thu hút được người dân quan tâm bảo vệ rừng gắn với sinh kế từ rừng cũng như phục hồi và phát triển rừng.
Theo Tiến sĩ Cao Thị Lý, Khoa Lâm nghiệp Trường Đại học Tây Nguyên, phục hồi rừng cảnh quan lưu vực sông Sêrêpốk cần dựa trên hiện trạng điều kiện tự nhiên, đặc điểm canh tác, sinh kế của người dân.
Cụ thể, tại xã Cư Drăm, huyện Krông Bông khu vực nhiều đồi núi cao để làm giàu rừng cộng đồng cần nghiên cứu trồng các loại cây rừng có giá trị (cẩm lai, giáng hương, sao đen); thực hiện mô hình nông lâm kết hợp đối với cây cà phê, điều, sầu riêng xen dứa, bắp, sắn. Tại xã Yang Mao cần trồng cây keo lai để phát triển rừng; thực hiện mô hình nông lâm kết hợp trồng mít nghệ, mảng cầu xiêm, xoài, bơ bút xen bắp, sắn.
Tại hai xã Đắk Nuê và Đắk Phơi, huyện Lắk làm giàu rừng và trồng rừng bằng cây sao đen, muồng đen, dầu, tếch, giáng hương; thực hiện mô hình nông lâm kết hợp trồng xen mít nghệ, cà phê, sầu riêng xen với mì, đậu, bắp để cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tiến sỹ Võ Hùng, Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên cho rằng, hiện nay nhiều vùng thuộc lưu vực sông Sêrêpốk đã bị sa mạc hóa, hạn hán, mưa lũ bất thường ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh lương thực của người dân sống ở lưu vực. Canh tác nông lâm kết hợp là hướng đi triển vọng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đảm bảo sinh kế, nâng cao hiệu quả sản xuất, phù hợp tập quán canh tác của người dân, duy trì tính bền vững của hệ sinh thái lưu vực sông Sêrêpốk.
Ngoài các mô hình nông trồng cà phê xen bơ, hồ tiêu, điều, cây ăn quả, ngô, sắn đang thực hiện tại hai huyện Krông Bông và Lắk trong thời gian tới cần phát triển thêm các mô hình trồng dâu nuôi tằm thay thế đất trồng ngô lai tránh ngập úng ven sông; trồng dứa trên dất đồi dốc, trồng tre tàu ven suối để phòng hộ nguồn nước, tạo cảnh quan, tăng thu nhập cho người dân.
Theo ông Hồ Đức Dũng, Phó Hạt Kiểm lâm huyện Lắk, để cải thiện sinh kế cho người dân cần xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, đa dạng, phù hợp, kết hợp với đầu ra cho sản phẩm.
Đồng thời, cần tuyên truyền cho người dân học hỏi, tham khảo kinh nghiệp phát triển kinh tế, nông lâm kết hợp hiệu quả, áp dụng thực tế vào địa phương. Chỉ có tạo ra sinh kế bền vững, lợi nhuận từ rừng, đất rừng thì mới giảm sự tác động của người dân đến rừng.
Ngoài ra, tại hội thảo các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị về việc hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nâng cao mức chi trả dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, liên kết. Từ đó, tạo đầu ra cho sản phẩm của người dân sản xuất ra ở lưu vực sông, ven rừng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Bông ông Đinh Văn Long cho rằng, những ý kiến đóng góp, xây dựng của các đơn vị tại hội thảo, có vai trò quan trọng, để người dân, chính quyền địa phương, các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn tổng quát về thực trạng rừng, đất rừng lưu vực sông Sêrêpốk; mở hướng cho các địa phương có những biện pháp, đề xuất bảo vệ rừng, xây dựng kinh tế, tạo sinh kế của người dân gắn với rừng, bảo duy trì và phát triển bền vững rừng ở lưu vực sông Sêrêpốk nói chung Tây Nguyên nói riêng.