Để nền kinh tế vượt qua, phục hồi và phát triển, không lỡ nhịp với kinh tế thế giới, bên cạnh việc khẩn trương xây dựng các chính sách và giải pháp tốt, phù hợp với thực trạng của nền kinh tế, việc khẩn trương đưa các chính sách, giải pháp vào cuộc sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Để hiểu rõ hơn ảnh hưởng do việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đến kinh tế của Việt Nam, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm xung quanh nội dung này.
Xin ông cho biết, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong hơn 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và gần đây là xung đột Nga- Ukraine ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế?
Đại dịch COVID-19 xảy ra khiến trật tự và hoạt động kinh tế thế giới thay đổi mạnh mẽ; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra trên nhiều lĩnh vực với mức độ khốc liệt hơn; các giá trị của tự do kinh tế bị thách thức nghiêm trọng, nền quản trị toàn cầu dựa trên các quy tắc của hệ thống quốc tế bị suy yếu đã tác động tiêu cực tới quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đại dịch đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây nên thiếu hụt nguồn cung và lạm phát cao. Trong khi đại dịch chưa kết thúc, xung đột Nga-Ukraine là “cú bồi thêm” càng làm sâu sắc hơn những khó khăn của kinh tế thế giới và từng quốc gia.
Hiện nay, kinh tế thế giới đang đối mặt với các vấn đề nan giải, chưa biết khi nào kết thúc, bao gồm: giá năng lượng và lạm phát cao, làm giảm hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của các quốc gia; chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với đứt gãy nghiêm trọng và chi phí tăng cao; thiếu hụt các kim loại công nghiệp thiết yếu; rối loạn hệ thống tài chính, tăng trưởng toàn cầu suy giảm.
Kinh tế nước ta có độ mở lớn, tham gia nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương, hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới; nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất chiếm tỷ lệ cao. Khi kinh tế thế giới suy giảm và lạm phát cao, đặc biệt kinh tế của các đối tác quan trọng với Việt Nam suy giảm sâu sẽ tác động trực tiếp, khá mạnh đến đà phục hồi và phát triển kinh tế nước ta.
Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với chính sách kích cầu của các quốc gia nhằm đưa nền kinh tế trở về giai đoạn trước đại dịch đã gây nên thiếu hụt nguồn cung và lạm phát cao. Điều này càng trầm trọng hơn khi xảy ra khủng hoảng Nga-Ukraine.
Sản lượng sản xuất và thị phần xuất khẩu một số mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng như: xăng dầu, khí đốt, lúa mì, nhôm, nickel, ngô… của Nga và Ukraine rất lớn. Vì vậy, khi khủng hoảng kéo dài gây khó khăn về nguồn cung các loại nguyên, nhiên vật liệu này trong thời gian tới, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, gây nên áp lực lạm phát đối với kinh tế nước ta.
Chỉ riêng mặt hàng xăng dầu trong nước bình quân 4 tháng năm 2022 tăng 48,84% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tới 1,76 điểm phần trăm trong mức lạm phát bình quân 2,1% của 4 tháng đầu năm nay; giá gas trong nước biến động theo giá xăng dầu và giá gas thế giới, bình quân 4 tháng giá gas tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,36 điểm phần trăm.
Bên cạnh xăng dầu và gas, giá các loại nông sản như: lương thực, bông; thức ăn chăn nuôi; phân bón; kim loại công nghiệp; sắt thép xây dựng tăng cao. So với cùng kỳ năm trước, giá nhập khẩu sắt thép của quý I/2022 tăng 43,87%; giá thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 27,73%.
Các yếu tố về nguồn cung, đặc biệt là tình hình căng thẳng địa chính trị đưa đến rủi ro làm gia tăng lạm phát. Gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo lạm phát năm 2022 của nước ta tăng 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát 4% đặt ra. Trong khi đó ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát Việt Nam năm nay vượt mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và có thể lên 5,5% trong năm 2023.
Giá thép và vật liệu xây dựng tăng cao làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, kể cả các dự án được chỉ định thầu. Khi giá vật liệu xây dựng tăng làm đội giá thành công trình. Các định mức theo đơn giá trong hồ sơ mời thầu không còn phù hợp với giá thị trường. Điều này ảnh hưởng đến việc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ, làm chậm đà phục hồi và tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Bất ổn địa chính trị, đặc biệt khủng hoảng Nga - Ukraine làm cho du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi chậm, ảnh hưởng tới đà phục hồi của khu vực dịch vụ. Năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch Việt Nam đón khoảng 4,5 triệu lượt khách Nga, chiếm 25% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Trung bình một du khách Nga chi tiêu ở Việt Nam khoảng 1.600 USD cho một chuyến thăm, cao hơn mức trung bình 900 USD của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Hiện nay, kinh tế Nga đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng do lệnh trừng phạt của Mỹ, phương Tây và các nước sẽ ảnh hưởng tới quyết định đi du lịch của người Nga. Chỉ riêng khách Nga đã làm thất thu cho lĩnh vực du lịch nước ta khoảng trên 7 tỷ USD.
Ông đánh giá như thế nào về sự thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam trước những ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng thời gian qua?
Ngay trong năm 2020, khi đại dịch gây nên đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ đồng hành cùng đất nước, để duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Tại những thời điểm dịch bệnh chưa tác động nhiều, các doanh nghiệp đã nhanh chóng tìm ra nhiều giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, khẩn trương ứng dụng công nghệ số trong giao thương để duy trì nguồn cung nguyên vật liệu cho sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp đã tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới.
Cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động, nỗ lực tìm kiếm và áp dụng nhiều nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, như: nhóm giải pháp về lao động; nhóm giải pháp khắc phục đứt gãy nguồn cung và thị trường tiêu thụ như: đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi sản phẩm, dịch vụ chủ lực, tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra cùng với tiếp tục duy trì thị trường truyền thống; nhóm giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Chia sẻ khó khăn trước tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng, cộng đồng doanh nghiệp đã đồng hành cùng nhau vượt qua trở ngại với nhiều hình thức như: chia sẻ đơn hàng, cho vay, cho trả chậm tiền hàng, hàng đổi hàng…Theo kết quả điều tra, có 47,3% doanh nghiệp tạo mối liên kết với các doanh nghiệp khác để cùng chia sẻ khó khăn. Hình thức liên kết được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhất là cho trả chậm tiền hàng, chia sẻ đơn hàng, hàng đổi hàng, cho vay...
Có thể thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã năng động, linh hoạt, không khoanh tay trước những khó khăn, biến cố, vững tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế của đất nước. Khẩn trương tìm ra các giải pháp để thích ứng trong tình hình mới, vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi và phát triển sản xuất.
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, cùng đó là các bất ổn địa chính trị trên thế giới, trong khi đó kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Xin ông cho biết, Việt Nam cần có giải pháp gì để tiến đến chủ động nguồn nguyên, nhiên vật liệu cho hoạt động sản xuất kinh doanh?
Trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, các nước thực hiện lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga làm trầm trọng thêm thiếu hụt nguồn cung. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung. Đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực. Bộ Công Thương chủ trì, cùng với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm nguồn cung và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Những bất định trên thế giới diễn ra với tần suất dày hơn và khó lường, Chính phủ cần có chiến lược xây dựng thể chế kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế. Bộ Công Thương chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan và địa phương khẩn trương xây dựng và thực thi Chiến lược phát triển nguyên, nhiên vật liệu trong nước dần thay thế nguyên, nhiên vật liệu từ bên ngoài.
Đặc biệt chú trọng xây dựng và thực hiện Chiến lược an ninh năng lượng quốc gia với quan điểm phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, dần thay thế và tiến tới loại bỏ năng lượng hoá thạch, than đá phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26.
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty và địa phương rà soát, củng cố, nâng cao năng lực dự trữ những nguyên, nhiên vật liệu, vật tư chiến lược của đất nước, đảm bảo đủ cho nhu cầu của nền kinh tế, không phụ thuộc vào những biến động ngắn hạn trên thế giới và khu vực.
Cùng với đó, các bộ, ngành cần nâng cao năng lực dự báo, chủ động, linh hoạt xây dựng chính sách, giải pháp ứng phó kịp thời với các biến động bất thường trên thế giới tác động đến kinh tế - xã hội.
Bên cạnh tác động trước mắt, như giá xăng dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cần đưa ra các chính sách và giải pháp đối phó với những hệ luỵ lâu dài do Mỹ, phương Tây và nhiều nước trên thế giới áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga.
Bên cạnh đó, việc xây dựng chính sách cần nhanh chóng, quy mô và cơ cấu gói hỗ trợ chính sách nên điều chỉnh linh hoạt theo tốc độ phục hồi. Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình cải cách cơ cấu, cải thiện môi trường kinh doanh quyết liệt hơn; nâng cao chất lượng lao động.
Để nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, không lỡ nhịp với kinh tế thế giới, bên cạnh việc khẩn trương xây dựng các chính sách và giải pháp tốt, phù hợp với thực trạng của nền kinh tế, thì việc khẩn trương triển khai thực hiện, đưa các chính sách, giải pháp vào cuộc sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chính sách và giải pháp tốt nhưng chậm triển khai thực hiện vẫn là chính sách và giải pháp nhưng không còn tác dụng.
Xin cám ơn ông!