Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La thường xuyên xuất hiện tình trạng người dân lợi dụng thuốc diệt cỏ phun vào diện tích rừng giáp ranh. Sau thời gian chờ cây chết, rồi đốt và phát diện tích rừng này để mở rộng diện tích nương rẫy của mình.
Hành vi này làm ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý bảo vệ rừng. Các lực lượng chức năng của huyện Sông Mã đã xử phạt gần 200 vụ xâm lấn rừng trái pháp luật với số tiền trên 1,2 tỷ đồng, điều này cho thấy việc ngăn chặn các hành vi xâm lấn rừng là rất khó khăn.
Theo ông Lò Thế Thi - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sông Mã, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản là một việc làm hết sức khó khăn, nguyên nhân chính là do các đối tượng vi phạm chủ yếu là đồng bào vùng sâu, vùng xa, nhận thức của người dân về ý thức bảo vệ rừng chưa được nâng cao; thường lợi dụng chính sách dân tộc để gây khó hoặc cản trở chống đối lực lượng thi hành nhiệm vụ bảo vệ rừng.
Để đối phó với tình trạng xâm lấn rừng ngày càng gia tăng và việc thu hồi số tiền xử phạt vi phạm hành chính, Hạt Kiểm lâm huyện Sông Mã đã thành lập Tổ cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Theo đó, tổ công tác gồm 16 thành viên, do Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện làm Tổ trưởng, Phó trưởng Công an huyện, Chủ tịch UBND các xã liên quan làm Tổ phó và các thành viên là cán bộ chuyên môn của Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, UBND các xã…
Trong đợt ra quân đầu tiên, Tổ cưỡng chế đã quyết định thi hành cưỡng chế đối với 12 đối tượng tại các xã Mường Sai, Chiềng Khương và Chiềng Cang với tổng số tiền gần 100 triệu đồng. Số tiền còn lại do một số đối tượng thực sự khó khăn và cũng đã làm cam kết chấp hành trong thời gian sớm nhất.
Chia sẻ về cách làm này, ông Lò Thế Thi - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sông Mã cho biết: đây là cách làm rất hiệu quả, trong quá trình thực hiện có sự tham gia đầy đủ của các lực lượng có liên quan, nhất là sự có mặt của lực lượng chức năng cơ sở. Kết quả bước đầu này sẽ là cơ sở thuận lợi cho việc triển khai thu hồi số tiền nợ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng. Mặc dù số tiền thu hồi được chưa phải là lớn, nhưng đây là một cách làm đủ để răn đe các đối tượng khác trong việc chấp hành các quy định về quản lý, bảo vệ rừng.
Việc thành lập Tổ cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đã bước đầu mang lại hiệu quả, ngoài việc thu hồi được số tiền xử phạt, biện pháp này còn mang tính răn đe các đối tượng khác đối với hành vi xâm lấn rừng. Đây là một cách làm thiết thực ở huyện Sông Mã nói riêng và tỉnh Sơn La để bảo vệ rừng tốt hơn.
Công Luật