Một chiến lược quản lý tài nguyên nước trên toàn bộ 40,6 nghìn km2 vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần được nghiên cứu triển khai trước thực trạng ngành nông nghiệp của vùng ngày càng dễ bị tổn thương trước tác động của hạn hán, lũ lụt do biến đổi khí hậu và những hoạt động của con người trong quá trình khai thác dòng Mê Kông gây ra.
Các tác động này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do việc can thiệp bằng các công trình kiểm soát lũ như xây đê, kè và các cống xả phục vụ thâm canh nông nghiệp không bền vững.
Từ câu chuyện thực tế
Những ngày cuối tháng 7, nước lũ đổ về sớm hơn đe dọa hàng nghìn ha lúa, hoa màu ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp và An Giang.
Tại tỉnh Long An, theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi tỉnh, từ đầu tháng 7/2018 đến nay, mực nước lũ đổ về mạnh với cường suất bình quân từ 3-5 cm/ngày/đêm, kết hợp với triều cường đe dọa hàng nghìn ha lúa ở các xã vùng trũng của các huyện vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An.
Cụ thể, tại huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) có 37.000 ha lúa và đến nay khoảng 500 ha lúa bị ngập và gần 9.500 ha đang bị nước lũ đe dọa nằm ở các xã Thạnh Hưng, Vĩnh Thạnh, Vĩnh lợi, Vĩnh Bửu. Riêng tại huyện Vĩnh Hưng có khoảng 3.000 ha diện tích lúa nằm trong 56 ô đê bao đang bị đe dọa. Nếu nước lũ tiếp tục đổ về và dâng cao thêm từ 20 - 40 cm buộc chính quyền địa phương phải gia cố nâng cao đê bao.
Theo ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Long An, dự báo vào đầu tháng 8/2018, mực nước lũ trạm Tân Hưng, Vĩnh Hưng có khả năng trên mức 2 m. Trạm Mộc Hoá trên mức 1,2 m, cao hơn từ 0,2 - 0,3 m so cùng kỳ năm 2017. Đây là đợt lũ sớm, xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và có thể còn diễn biến phức tạp.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do lũ sớm, UBND tỉnh Long An đã yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hoá, Tân Thạnh, Thạnh Hoá và thị xã Kiến Tường khuyến khích người dân chủ động thu hoạch lúa Hè Thu, nhất là các khu vực trũng thấp không có đê bao, bờ bao bảo vệ an toàn.
Vấn đề nước lũ về sớm hay về muộn như những năm trước đây đã cho thấy, thực tế là vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với điều kiện nguồn nước thất thường. Trong cả hai trường hợp lũ về sớm hay muộn hoặc cao hay thấp thì thiệt hại đến đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp vẫn luôn xảy ra.
Điều này minh chứng ngành nông nghiệp của vùng rất bị động, chưa chuẩn bị những phương án sản xuất nông nghiệp trong điều kiện nguồn nước thất thường. Mặc dù, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích nghi với biến đổi khí hậu đã đề cập đến rất nhiều các phương án; trong đó có các phương án sản xuất dựa trên giống - quy trình canh tác - mùa vụ thích ứng với từng điều kiện khí hậu.
Đến vấn đề lớn của đồng bằng
Những phương án này sẽ tùy thuộc vào điều kiện của thời tiết mà ngành nông nghiệp sẽ có những chuyển dịch phù hợp để thay đổi mùa vụ cho sớm hơn, trễ hơn hay giảm vụ canh tác và thay đổi giống, loài… Vậy vấn đề ngành nông nghiệp các địa phương trong vùng chưa chủ động triển khai được các phương án trên do xuất phát từ nguyên nhân nào?
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, đến nay chưa có một đội ngũ chuyên nghiệp làm công tác dự báo về nguồn nước. Việc dự báo sớm thời gian sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn là mức độ hay diện tích có thể bị ảnh hưởng. Như trường hợp hàng nghìn ha lúa Hè Thu ở khu vực trũng ngoài đê bao hoặc trong khu vực đê bao chưa khép kín ở vùng Đồng Tháp Mười kể trên là dẫn chứng.
Hiện trước khi lũ về sớm, ngành nông nghiệp các tỉnh đầu nguồn như Long An, An Giang đã tiến hành rà soát các diện tích sản xuất lúa Hè Thu và Thu Đông năm 2018, lập kế hoạch kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao lửng chưa khép kín và triển khai thi công, gia cố cấp bách các tuyến đê bao lửng để bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Gia cố đê bao phải được rà soát đúng quy hoạch, gia cố sớm để có thời gian ổn định mới tôn cao nhiều lần. Đồng thời vận động người dân không gieo sạ tại những vùng trũng thấp, không có đê bao bảo vệ an toàn, để tránh bị thiệt hại do lũ.
Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp làm tiêu tốn ngân sách nhưng chỉ mang tính “tình thế”, rất cần một giải pháp với hướng tiếp cận dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề nói trên của Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, trường đại học Cần Thơ, kiến nghị phải ngừng việc mở rộng đê bao khép kín, triệt để và chuyển dự án “thoát lũ” thành dự án “trữ lũ”.
Một tín hiệu vui là từ đầu năm 2018, một dự án mang tên “Mô hình sinh kế dựa vào nước lũ nhằm hỗ trợ chiến lược trữ lũ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long” được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đề xuất triển khai nhằm bảo tồn và khôi phục trước mắt là 6,7 triệu m3 trữ nước/năm.
Đây có thể được xem là một chiến lược đột phá, quan trọng nhằm hiện thực hoá Nghị quyết 120/2017/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu để thực hiện mục tiêu lai giảm diện tích trồng lúa và các cây trồng sử dụng nhiều nước ngọt nhưng giá trị thương mại thấp, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường. Trong đó, một mục tiêu quan trọng là phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập.
Rõ ràng, dự án này chính là một khởi đầu quan trọng trong việc triển khai chiếc lược quản lý tài nguyên nước ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đi sâu vào cách thức hành động của dự án như đúng tên gọi thì sẽ thấy nhiều thách thức cần phải vượt qua. Trong đó, chính yếu tố ngành nông nghiệp còn bị động sẽ là “nút thắt” rất lớn để triển khai chiến lược quản lý tài nguyên nước này.
Bài 2: Giữ nước cho vùng đầu nguồn sông Cửu Long