Sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm gà lần này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giao lưu, tìm hiểu, quảng bá thương hiệu và ký kết hợp tác liên kết, sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gà trong và ngoài nước.
Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp có điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dự báo nhu cầu thị trường, đặc biệt là hoạch định chiến lược phát triển sản xuất chăn nuôi gia cầm phù hợp trong thời gian tới…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua có sự chuyển dịch chăn nuôi gia cầm từ quy mô nhỏ lẻ, tự phát chuyển sang chăn nuôi tập trung với quy mô lớn. Năng suất, chất lượng ngày càng tăng, kéo theo đó lợi nhuận cũng tăng lên. Nhiều nơi, chăn nuôi gia cầm trở thành nghề chính trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi nhanh chóng cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp.
Trong cơ cấu ngành chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi gà chiếm tỷ trọng lớn. Tính đến cuối tháng 6/2020, tổng đàn gia cầm cả nước khoảng 510 triệu con; trong đó đàn gà khoảng 410 triệu con.
“Những năm gần đây, mỗi năm số lượng gia cầm tăng trên 10%; trong đó đàn gà tăng trên 11,5%, sản lượng thịt gia cầm tăng bình quân gần 11%. Trong bối cảnh giá thịt lợn tăng cao thì yêu cầu phát triển mạnh chăn nuôi gia cầm, nhất là nuôi gà để đảm bảo sản lượng thịt thay thế được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chú trọng” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Điều đáng mừng là hiện Việt Nam đang sở hữu bộ giống gà phong phú và đa dạng, có năng suất chất lượng cao gồm các giống siêu thịt, siêu trứng. Đặc biệt, một số doanh nghiệp trong nước đã giữ được những giống gà cụ kỵ, giữ nguồn gen quý để tiếp tục tạo ra các dòng gà có năng suất, chất lượng cao. Trong chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn 2040, chăn nuôi gia cầm được chú ý, thúc đẩy nhanh theo cả 2 hướng thịt và trứng, đồng thời sẽ tập trung vào các giống gà bản địa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu khẳng định: “Phát triển sản xuất, chăn nuôi gia cầm tại tỉnh Bình Định có nhiều tiềm năng và lợi thế, đất đai, vườn đồi, khí hậu phù hợp với chăn nuôi. Đàn gia cầm của tỉnh tăng từ 6- 8%/năm; đàn gà cả tỉnh hiện có 7,5 triệu con trong tổng số đàn gia cầm 9,5 triệu con. Dự kiến đến năm 2025, đàn gia cầm tỉnh Bình Định đạt 15 triệu con. Tỉnh Bình Định đang triển khai Đề án Phát triển chăn nuôi gà thả đồi Bình Định giai đoạn 2021-2025, tiến tới xây dựng nhãn hiệu “Gà đồi Bình Định”.
Hiện tại, tỉnh Bình Định có 2 doanh nghiệp cung cấp giống gà cho thị trường lớn nhất cả nước. Đó là Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh chuyên sản xuất gà con lông màu chất lượng cao, có thương hiệu được người chăn nuôi cả nước ưa chuộng.
Hằng năm, 2 công ty này cung ứng cho thị trường hơn 80 triệu con giống, chiếm hơn 35% thị phần gà giống cả nước. Đặc biệt, 2 doanh nghiệp này đang sở hữu hơn 800.000 con gà giống cụ kỵ, là giống gà lâu đời tại địa phương. Nguồn gen giống này đang được nhiều quốc gia trên thế giới muốn chuyển giao, sở hữu.
Tại sự kiện, đại diện các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh thành trong nước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chăn nuôi, chế biến gia cầm về quỹ đất, nguồn vốn và hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Cũng nhân dịp này, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (tỉnh Bình Định) đã ký kết hợp đồng nguyên tắc hợp tác thu mua, tiêu thụ gà giống, gà thịt với các công ty, nhóm hộ nông dân chăn nuôi với tổng trị giá hơn 3.300 tỷ đồng.