Theo Phó Thủ tướng, để đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, tỉnh Quảng Bình cần tập trung cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch thông thoáng, thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư; đồng thời xây dựng hệ thống chính quyền các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự hài lòng của người dân…
“Sự hiện diện đông đủ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư uy tín trong nước và quốc tế tại sự kiện hôm nay, tôi tin rằng, những dự án được trao quyết định đầu tư hay những cuộc gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư sẽ tiếp tục khơi dòng đầu tư vào Quảng Bình trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện cho Quảng Bình thực hiện tái cơ cấu và phát triển công nghiệp, cân đối nguồn lực và giúp Quảng Bình triển khai dự án bảo đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, Phó Thủ tướng lưu ý cần thực hiện đúng các cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, giải ngân vốn đầu tư nhanh, triển khai đầu tư đúng tiến độ đã cam kết; đồng thời, đề cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường; trách nhiệm với xã hội và cộng đồng.
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2021 là hoạt động khởi đầu cho nhiệm kỳ mới. Đây là dịp để quảng bá về hình ảnh mới của một Quảng Bình với nhiều tiềm năng phát triển du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp…, là mảnh đất tràn đầy nội lực, luôn không ngừng nỗ lực, khát vọng vươn lên và là điểm đến đầu tư tiềm năng, an toàn, khác biệt và đáng tin cậy của tất cả các nhà đầu tư. Hội nghị được tổ chức nhằm đưa ra định hướng, giải pháp khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Quảng Bình.
Thông qua hội nghị, tỉnh Quảng Bình mong muốn nhận được sự quan tâm đầu tư từ các doanh nghiệp đối với các lĩnh vực du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… Tỉnh Quảng Bình cam kết tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh, trên cơ sở hài hòa lợi ích cho người dân, cho tỉnh, cho doanh nghiệp và đặc biệt là phải tôn trọng môi trường.
Giai đoạn 2021-2023, tỉnh Quảng Bình kêu gọi đầu tư 62 dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - năng lượng - thương mại, du lịch và phát triển kết cấu hạ tầng.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao quyết định đầu tư của Chính phủ cho dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2, công suất 1.200MW, tổng mức đầu tư 48.156 tỷ đồng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và dự án sân golf Bảo Ninh, tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng của Tập đoàn Trường Thịnh.
Cùng với đó, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình trao quyết định chủ trương đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 28 nhà đầu tư thực hiện 35 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 92.000 tỷ đồng; trong đó, trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 nhà đầu tư thực hiện 13 dự án đầu tư với tổng vốn 22.195 tỷ đồng; trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 17 nhà đầu tư thực hiện 22 dự án với tổng vốn đăng ký 69.887 tỷ đồng.
UBND tỉnh Quảng Bình cũng khởi động hai dự án động lực của tỉnh là dự án đường ven biển- cầu Nhật Lệ 3 và dự án mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không Đồng Hới.
Quảng Bình nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trên hành lang phát triển kinh tế Đông - Tây, là cửa ngõ phía đông thông ra biển của vùng trung Lào và đông bắc Thái Lan. Tỉnh có hệ thống giao thông thuận lợi, gồm: Quốc lộ 1A, hai nhánh đường Hồ Chí Minh đông và tây, đường sắt Bắc - Nam, sân bay Đồng Hới và cảng biển Hòn La rất thuận tiện trong việc đi lại và giao lưu trao đổi hàng hóa.
Đặc biệt, Quảng Bình có Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với diện tích hơn 123.000 ha, được mệnh danh là “Vương quốc hang động” của thế giới với hơn 300 hang động kỳ vĩ, tráng lệ cùng nhiều tiêu chí nhất thế giới. Những lợi thế đó đã giúp Quảng Bình trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm và thiên đường khám phá trải nghiệm hàng đầu châu Á…