Nhiều tiềm năng
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, việc phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đang là vấn đề mà các quốc gia quan tâm và chiếm vị trí quan trọng trong tầm nhìn phát triển kinh tế bền vững.
Quảng Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Tại Quảng Ninh, với lợi thế “ven biển”, trong những năm qua, bên cạnh việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, địa phương cũng rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy những giá trị bền vững về môi trường thiên nhiên. Trong đó, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những vấn đề mà Quảng Ninh luôn ưu tiên.
Thực tế, Quảng Ninh hiện có tới 250 km đường biển, cùng hệ thống hạ tầng đấu nối, truyền tải điện tốt nhất cả nước là cơ sở để phát triển năng lượng điện gió. Nguồn tài nguyên này đã được Viện năng lượng khảo sát và đánh giá cao, với khoảng 13.000MW dọc bờ biển và khoảng 2.300MW trên bờ.
Nguồn năng lượng này được cho là tập trung chủ yếu ở huyện Cô Tô và TP Móng Cái. Bởi đây là địa phương có vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào; giàu tiềm năng cho việc khai thác, sản xuất, phát triển nguồn năng lượng tái tạo; từ đó, đảm bảo nguồn điện lâu dài, ổn định.
Với lợi thế đó, Quảng Ninh hiện là trung tâm sản xuất điện của cả nước với hệ truyền tải điện đa dạng. Cùng với đó Quảng Ninh cũng là địa phương có thể sản xuất khoảng 13GW điện gió ngoài khơi. Đây là những lợi thế so sánh để thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Đầu tư cho phát triển xanh
Để phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, tỉnh đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh công suất 1.500MW (giai đoạn 1) tại phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh tại Văn bản số 1409/TTg-CN ngày 17/10/2020. Đây là nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của miền Bắc có công suất dự kiến 1.500MW. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh điện/năm và đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 57.700 tỷ đồng trong vòng 25 năm.
Quảng Ninh cũng đã chấp thuận nhà đầu tư và thực hiện khởi động dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh với kinh phí đầu tư hơn 47.400 tỷ đồng (tương đương hơn 2 tỷ USD). Với việc đầu tư xây dựng Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, tỉnh đã khẳng định lợi thế cạnh tranh về phát triển điện lực quốc gia về điện khí LNG. Thực tế cho thấy, Quảng Ninh là đầu mối kết nối giao thông đường bộ, đường hàng không và đường thủy với hệ thống hạ tầng cảng biển nước sâu; đường ống dẫn khí, hệ thống kho khí được bao quanh bởi các dãy núi, không chịu ảnh hưởng của mưa bão, làm giảm suất đầu tư. Cùng với đó, nhờ hệ thống dãy núi tự nhiên của vịnh Bái Tử Long đã tạo thành những đê chắn sóng bảo vệ vững chắc các kho khí, tiết kiệm nhiều nghìn tỷ đồng cho mỗi dự án điện khí. Đây là điều kiện thuận lợi, khách quan để đầu tư, hình thành các trung tâm điện khí, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả đầu tư, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đặc biệt, tỉnh cũng đề nghị bổ sung quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn 2021-2040 tại địa phương là 5.000MW (gió ngoài khơi là 3.000MW, gió trên bờ 2.000MW), trong đó giai đoạn 2021-2030 là 2.500MW (gió ngoài khơi là 500MW, gió trên bờ 2.000MW). Đề xuất này được tỉnh đưa ra nhằm khai thác những lợi thế nổi trội về nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn, nhất là về điện gió. Quảng Ninh được Viện Năng lượng khảo sát, đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển điện gió rất to lớn trên đất liền và ngoài khơi, với tổng công suất khoảng 15.397MW.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh sẽ phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường; tiếp tục duy trì là một trung tâm năng lượng của quốc gia (một trong những trung tâm điện gió, điện khí LNG của miền Bắc), chuyển dần sang phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế. Trong đó, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch; tiếp tục duy trì là một trung tâm năng lượng của quốc gia, chuyển dần sang phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng kêu gọi đầu tư phát triển điện khí LNG; phát triển nguồn điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi và các dự án điện tận dụng khí, nhiệt thải để phát điện nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững theo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị.