Lương thực, thực phẩm sẽ thiết lập mặt bằng giá mới, giảm 10-15% so với hiện nay trong những tháng tới, đó là nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong cuộc họp bình ổn giá lương thực, thực phẩm chiều qua (18/7).
Bổ sung rau xanh và thực phẩm
Theo Cục Trồng trọt, giá rau xanh tại các chợ nội thành Hà Nội trong thời gian qua đã tăng đột biến như: Rau cải ăn lá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg lên 15.000 – 20.000 đồng/kg, dưa chuột bao tử từ 3.500 đồng/kg lên 8.500 đồng/kg, cà chua từ 6.000 đồng/kg lên 12.000 – 15.000 đồng/kg, rau muống từ 2.000 đồng/kg lên 4.000 đồng/kg.... Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, giá rau cũng tăng khoảng 10 – 25% tùy chủng loại.
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại siêu thị Big C. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Theo ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, tình trạng tăng giá đột biến với mặt hàng rau xanh chỉ xảy ra chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Hà Nội, Hải Phòng… Khu vực phía Nam, giá rau xanh chỉ tăng từ 10-20%.
Theo ông Quảng, nguyên nhân của tình trạng trên là do các tỉnh miền Bắc đang ở thời điểm cuối của vụ rau hè thu, ngoài ra các tỉnh miền Bắc vừa gặp một số đợt mưa lớn, khiến nhiều loại rau bị hỏng, một số vùng rau bị ngập úng, sau đó lại gặp nắng nóng gay gắt làm rau bị chết. Năng suất rau vụ hè thu giảm đến 20 - 30%. Ngoài ra, chủng loại rau cũng nghèo nàn hơn so với vụ đông.
Ngoài ra, việc tăng giá rau đột biến ở Hà Nội và một số đô thị lớn là do một bộ phận tư thương đã thu gom, đẩy giá rau xanh tăng cao khi nguồn cung bị hạn chế.
Tuy nhiên, “trong một tuần nay, giá rau đã có dấu hiệu chững lại, tăng với mức độ ít hơn và sẽ giảm dần… trong thời gian tới”, ông Quảng nói.
Giá thịt lợn trong nước thời gian qua đứng ở mức cao, vì nguồn cung từ các trang trại giảm. Theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, lý do là người chăn nuôi thiếu vốn, vì thế khó đẩy nhanh tốc độ tái đàn. Nhiều trang trại phản ánh, họ không thể tiếp cận được vốn ngân hàng hoặc chỉ vay được một lượng rất nhỏ.
Do nguồn cung thịt trong nước khan hiếm nên nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh nhập khẩu thực phẩm tươi sống. Báo cáo nhanh của Cục Thú y cho thấy, trong 1 tuần qua, lượng trâu, bò nhập khẩu về nước là hơn 7.000 con. Thịt lợn nhập từ Trung Quốc trong 1 tuần là 170 tấn… Ngoài ra, có gần 8.000 tấn thịt gia súc, gia cầm đông lạnh được nhập chính ngạch từ các nước như Hoa Kỳ, Canađa…
Theo ông Phạm Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Thú y nhận định, tính từ đầu năm đến nay, lượng thịt các loại nhập khẩu là hơn 53.000 tấn. Trong khi cả năm 2010 chỉ nhập 83.000 tấn.
Gỡ khó cho sản xuất, chăn nuôi
Ngoài tình hình giá cả đứng ở mức cao, việc thu gom nông sản, trứng gà, trứng vịt, hoa quả… của các thương nhân nước ngoài trong thời gian qua cũng gây ra những xáo trộn đối với giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Theo bà Trần Thị Miêng, Phó cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản, thương nhân nước ngoài thu gom nông sản trong nước hầu hết không có phép, phần lớn lại xuất qua đường tiểu ngạch nên rất khó kiểm soát.
Do vậy, bà Miêng đề nghị, các địa phương phải vào cuộc kiểm soát giá, tránh tình trạng thương nhân gây bất ổn cung cầu và tăng giá bất hợp lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến tốc độ tăng giá tiêu dùng của cả nước.
Bên cạnh đó, “Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước ưu tiên khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ chăn nuôi, hỗ trợ 50% lãi suất khi vay chăn nuôi. Đối với các tỉnh đang thực hiện bình ổn giá như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần chỉ đạo các đơn vị được chỉ định bình ổn ký hợp đồng thu mua nông sản, thực phẩm tận chân hàng, tăng các điểm bán hàng bình ổn di động ở chợ dân sinh, khu công nghiệp…”, bà Miêng nói.
Về vấn đề vốn, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước giải thích, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các địa phương ưu tiên cho vay nông nghiệp, nông thôn với lãi suất hợp lý, nhưng DN muốn vay được vốn phải chứng minh được khả năng trả nợ, những hợp đồng vay không có mục đích rõ ràng sẽ khó vay được vốn.
Chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu, các vụ, cục, các đơn vị liên quan cần theo dõi sát sao các thị trường để cung cấp cho người sản xuất, người tiêu dùng nắm bắt được và có giải pháp kịp thời khi thị trường xảy ra biến động. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn về vốn, về vận chuyển cho người chăn nuôi. Bộ NN&PTNT sẽ có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để các ngành, địa phương cùng vào cuộc kiểm soát, bình ổn giá thực phẩm trong thời gian sớm nhất.
Hữu Vinh