Giá xăng dầu trong nước biến động không theo giá xăng dầu thế giới, công tác quản lý chất lượng, đo lường xăng dầu, chống đầu cơ găm hàng… đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Để khắc phục những vấn đề còn bất cập đối với thị trường xăng dầu, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu thay thế Thông tư 234/2009. Bộ Công Thương cũng đang chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2012.
Xử lý những vấn đề còn bất cập
Dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu thay thế Thông tư 234/2009 của Bộ Tài chính tập trung xử lý 3 vấn đề còn vướng mắc gây tranh cãi là chi phí kinh doanh định mức, thù lao cho đại lý, trích và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Quy định thù lao đại lý để ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh
Theo cơ chế hiện nay, thù lao cho đại lý là do từng đầu mối kinh doanh xăng dầu quyết định chi trả, dựa theo thỏa thuận giữa hai bên, đảm bảo hai bên cùng có lợi. Tuy nhiên, do không quy định mức trần và mức sàn thù lao nên vào thời điểm xăng dầu có lãi, các đầu mối thi nhau đẩy mức thù lao lên để “xả” nhanh hàng bán ra, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Nhân viên cây xăng niêm yết giá xăng mới tại cây xăng Thanh Phú trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN |
Ngược lại, những thời điểm kinh doanh lỗ, thù lao đại lý bị ép xuống thấp, nhiều đại lý đã sử dụng chiêu treo biển “hết hàng” ở nhiều cây xăng và "đổ lỗi" cho đầu mối không cấp hàng. Hệ lụy là thị trường bị xáo trộn, khan hiếm xăng dầu "giả tạo", người tiêu dùng chịu thiệt thòi.
Vì thế, việc dự thảo Thông tư mới của Bộ Tài chính quy định cụ thể hơn về khống chế mức trần phí hoa hồng cho đại lý là khá hợp lý, nhất là trong bối cảnh vừa qua có hiện tượng "loạn phí hoa hồng". Theo đó, mức trần đưa ra là thù lao không vượt quá 50% chi phí kinh doanh định mức.
Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Công Thương về vấn đề này, nếu chỉ quy định mức trần với thù lao cho đại lý mà không quy định mức tối thiểu thì bất cập về việc trả thù lao cho đại lý vẫn chưa được giải quyết triệt để. Theo đó, để tránh trường hợp doanh nghiệp đầu mối giảm thù lao đại lý xuống quá thấp để giảm lỗ khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, nên có thêm quy định mức thù lao tối thiểu (có thể là 30% mức chi phí kinh doanh định mức, giao xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu).
Minh bạch chi phí định mức để tránh tiêu cực
Một vấn đề bất cập khác đối với kinh doanh xăng dầu là về chi phí kinh doanh định mức. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, chi phí kinh doanh định mức đang áp dụng hiện nay ở mức 600 đồng/lít xăng dầu, 400 đồng/kg madút là quá thấp nên nhiều thời điểm lỗ, doanh nghiệp không thể đảm bảo thù lao cho đại lý, tạo ra nguy cơ đại lý ngừng bán hàng do thù lao thấp gây xáo trộn thị trường xăng dầu. Vì thế, việc điều chỉnh tăng chi phí kinh doanh định mức cho phù hợp chi phí kinh doanh hiện nay là điều được nhiều doanh nghiệp mong đợi. Trước đó vào năm 2011, Bộ Tài chính cũng đã có một dự thảo thông tư quy định chi phí kinh doanh định mức sẽ tăng lên 860 đồng/lít xăng dầu.
Khách hàng mua xăng tại cây xăng trên phố Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN |
Tuy nhiên, dự thảo thông tư mới của Bộ Tài chính lại không quy định cụ thể chi phí kinh doanh định mức và một phương thức vận hành cho chi phí này. Việc quy định mức chi phí này chỉ được Bộ Tài chính thông báo: “phù hợp trong từng thời điểm cụ thể để tính giá cơ sở áp dụng cho các địa bàn gần cảng nhập khẩu và gần nhà máy chế biến xăng dầu trong nước theo danh sách do các thương nhân đầu mối đăng ký với Tổ giám sát Liên ngành về giá xăng dầu phù hợp với thực tế kinh doanh của các thương nhân đầu mối và tình hình kinh tế xã hội trong nước”.
Trong văn bản góp ý cho dự thảo gửi Bộ Tài chính ngày 25/10/2012, Bộ Công Thương đề nghị: Để công khai minh bạch trong tính toán giá cơ sở, cần thống nhất quy định: hoặc đưa ra mức cụ thể của chi kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức trước thuế tại thời điểm ban hành thông tư (ví dụ: chi phí kinh doanh là 860 đồng/lít,kg; lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít,kg); hoặc không đưa ra mức cụ thể của chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức mà con số cụ thể này sẽ được Bộ Tài chính điều chỉnh và công bố tại thời điểm tháng đầu tiên hàng năm hay quý I hàng năm và đưa ra nguyên tắc, cơ sở tính toán để điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu lo ngại, nếu không quy định rõ ràng chi phí định mức sẽ sinh ra tiêu cực, phát sinh câu chuyện xin-cho đối với từng đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Quỹ bình ổn: Không phải lúc nào cũng trích
Theo các kịch bản sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nếu biến động giá cơ sở tăng so với giá bán lẻ từ 7 - 12%, doanh nghiệp được tăng giá 7% tương ứng cộng với 60% chênh lệch tăng giá trong khoảng còn lại từ 7-12%, phần 40% còn lại của khoảng chênh lệnh này sẽ được bù đắp từ Quỹ bình ổn.
Nếu biến động giá cơ sở tăng quá 12%, doanh nghiệp vẫn điều chỉnh giá như trên nhưng phần chênh lệch phát sinh còn lại sẽ không dựa vào một mình Quỹ bình ổn. Khi đó, Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ áp dụng phối hợp các công cụ tài chính thích hợp như thuế, quỹ để bình ổn giá.
Đặc biệt, về số dư quỹ, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối phải có trách nhiệm tính lãi suất quỹ theo lãi suất ngân hàng thương mại, kỳ hạn 1 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực. Trong trường hợp số dư quỹ không còn nhưng Liên Bộ yêu cầu phải "xả" quỹ, tức vận hành "Quỹ âm", các doanh nghiệp sẽ được bù đắp bằng mức lãi suất cho vay ngân hàng áp dụng kỳ hạn 1 tháng. Phần chênh lệch quỹ bị âm sẽ được bù đắp từ số tiền trích quỹ trong thời gian sau.
Năm 2011, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận việc sử dụng Quỹ âm là bất hợp lý, cần phải sửa đổi. Thêm nữa, Bộ Công Thương cho rằng, nên bổ sung quy định chỉ sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu khi quỹ dương. Bởi nếu quỹ âm, trên thực tế không có tiền, nên việc chỉ đạo xả quỹ là thiếu hợp lý.
Thu Hường