Sự việc này mới đây đã được UBND thành phố Hà Nội giao các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát sự tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định của UBND thành phố về việc đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác sử dụng, yếu tố kỹ thuật, tải trọng, an toàn giao thông, thu tiền qua cầu phao Lương Phúc.
Thôn Lương Phúc, xã Việt Long là địa bàn giáp ranh với huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Cách đây hơn 20 năm, người dân thường sử dụng đò để làm phương tiện qua lại giữa hai bên bờ sông Cà Lồ. Vào năm 2013, UBND xã Việt Long đã ký hợp đồng kinh tế với nội dung chính giao cho hộ tư nhân bỏ vốn xây lắp cầu và thu phí đến năm 2053. Theo hợp đồng, hàng năm, hộ tư nhân phải nộp 24 triệu đồng vào ngân sách của xã Việt Long. Sau khi xây lắp, cầu phao Lương Phúc đã nhiều lần được sửa chữa, nâng cấp. Theo đó, hộ tư nhân được phép thu tiền đối với phương tiện khi đi qua cầu phao.
Ghi nhận tại hiện trường, cây cầu phao Lương Phúc, có chiều dài 110m, rộng 3m, kết cấu lan can, mặt cầu bằng thép. Phần đỡ cho cầu nổi trên mặt sông Cà Lồ được làm như những con thuyền nhỏ bằng thép, có dây chằng đặt dưới lòng sông. Đường dẫn của cầu được xây dựng bằng bê tông xi măng, có độ dốc khoảng 30 độ. Hàng ngày có khá nhiều phương tiện đi qua đây; trong đó, có cả ô tô con 4 chỗ.
Mặc dù được sự cho phép của UBND xã Việt Long về việc xây dựng cầu phao, tuy nhiên, cây cầu này chưa đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Điều này được thể hiện tại biên bản làm việc giữa phòng Quản lý đô thị huyện và UBND xã Việt Long ngày 25/7/2013. Về pháp lý, cây cầu phao Lương Phúc khi xây dựng chưa có văn bản thỏa thuận của Sở Quy hoạch – Kiến trúc về phương án kiến trúc; chưa có văn bản thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định; báo cáo thẩm tra của đơn vị tư vấn cũng không tuân thủ quy định. Về thiết kế hồ sơ thi công, tải trọng theo thuyết minh của tư vấn thiết kế chưa rõ ràng; chưa có bản vẽ thi công và công trình phụ trợ thi công…
Dù chưa đảm bảo các yếu tố theo quy định nhưng cầu Lương Phúc vẫn tồn tại. Hàng ngày, các phương tiện qua đây đều phải nộp tiền. Mức thu lệ phí qua cầu được tính là: với người đi xe đạp 2.000 đồng/lượt, xe máy là 5.000 đồng/lượt, còn ô tô con là 10.000 đồng/lượt. Ở giữa cầu, người chủ cho lắp đặt một cái chòi nhỏ, thu tiền mặt của chủ phương tiện khi qua lại và việc thu tiền này không có biên lai hay vé.
Ông Nguyễn Văn Trọng ở xã Tam Giang, huyện Yên Phong chia sẻ: “Nhiều năm tôi bán hàng bên huyện Sóc Sơn nên ngày nào cũng đi, về 2 lượt trên cây cầu phao này và phí qua cầu là 5.000 đồng/lượt. Tôi biết đi cầu phao không bảo đảm an toàn nhất là vào những ngày mưa bão nước sông dâng cao nhưng vẫn phải bất chấp nguy hiểm để mưu sinh”.
Trao đổi về nội dung trên, ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn cho biết, huyện Sóc Sơn cũng chưa có bất kỳ văn bản nào đồng ý cho phép xã Việt Long triển khai xây dựng cầu phao rồi tổ chức thu phí của người dân qua lại. Hiện phòng đã đề xuất với UBND huyện thanh tra toàn diện việc xây cầu, thu phí đối với các cá nhân, tập thể liên quan đến cầu phao Lương Phúc, trên tinh thần xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng liên quan đến nội dung trên, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội chỉ đạo, UBND Sóc Sơn chủ trì cùng Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát, báo cáo sự tuân thủ các quy định của pháp luật (về đầu tư, xây dựng, đất đai, giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, giá dịch vụ...) và quy định của UBND thành phố về việc đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác sử dụng, yếu tố kỹ thuật, tải trọng, an toàn giao thông, thu tiền qua cầu phao Lương Phúc; đề xuất, báo cáo UBND thành phố trước ngày 8/5 tới.
Trong khi sự việc trên hiện nay vẫn chưa xử lý dứt điểm, người dân nơi đây lo ngại trong tương lai nhu cầu đi lại gặp nhiều khó khăn. Xã Việt Long có khoảng 40 ha đất nông nghiệp nằm bên bờ hữu sông Cà Lồ, giáp huyện Yên Phong (Bắc Ninh) nên hằng ngày người dân phải đi qua cây cầu phao Lương Phúc để sản xuất. Cùng với đó, nhiều người dân ở huyện Yên Phong cũng phải lựa chọn đi qua cây cầu này nếu không muốn đi vòng hàng chục cây số để sang được địa phận Sóc Sơn làm ăn, buôn bán.
Theo thông tin từ Phó Chủ tịch UBND xã Việt Long Nguyễn Văn Quả, mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt người và phương tiện (xe máy, xe đạp, ô tô) qua cầu. Vào dịp lễ, Tết, lượng người và phương tiện đi lại còn tăng gấp 2 lần, cho thấy nhu cầu đi lại của người dân là rất lớn. Từ mong mỏi của người dân, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản thông báo ý kiến của lãnh đạo thành phố thống nhất chủ trương xây dựng cầu Lương Phúc qua sông Cà Lồ thuộc địa phận xã Việt Long. Đây cũng là thông tin vui mừng cho đại bộ phận người dân nơi đây.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho biết, việc thành phố đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng cầu Lương Phúc thay thế cầu phao hiện có là rất cần thiết, cấp bách góp phần thúc đẩy kinh tế liên vùng phát triển. Huyện đã lên phương án dự kiến, cầu Lương Phúc mới tại xã Việt Long bắc qua sông Cà Lồ có chiều dài 120m, rộng 9m. Đường dẫn cầu dài khoảng 400m, rộng 9m. Tổng mức đầu tư hơn 72 tỷ đồng. UBND thành phố Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội bổ sung cầu Lương Phúc vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.