Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, năng lượng là yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Đối với Việt Nam, ngành dầu khí đang đóng góp quan trọng về dầu, khí, điện vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP và tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Ngành dầu khí đang làm chủ công nghệ cao trong tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.
Theo ông Thanh, mặc dù Nghị quyết 41-NQ/TƯ ngày 23/7/2015 về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 là rất rõ ràng nhưng sau gần 4 năm thực hiện thì trên thực tế chưa có các giải pháp, chính sách cụ thể để hiện thực hoá các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.
Cụ thể, thách thức lớn nhất chính là cho đến nay, PVN vẫn chưa được phê duyệt Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ PVN nên hoạt động tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và rất dễ dẫn tới các sai phạm, ông Thanh cảnh báo.
Đặc biệt, cơ chế tài chính cho công tác khoan thăm dò dầu khí còn nhiều vướng mắc, chồng chéo dẫn đến việc gia tăng trữ lượng gặp rất nhiều khó khăn và không đáng kể. Đây chính là mối lo lớn nhất cho việc đảm bảo an ninh năng lượng đất nước bởi hoạt động khai thác dầu khí đang “ăn” vào tương lai, ông Thanh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Minh, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, vấn đề khó khăn lớn nhất chính là phải có cơ chế tài chính rõ ràng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí bởi đây là hoạt động nhiều rủi ro và rất tốn kém.
Thực tế là những năm gần đây, PVN gần như ký được rất ít hợp đồng dầu khí mới khiến hoạt động khoan thăm dò rất “èo uột” với vốn đầu tư cho hoạt động này chỉ bằng 25% so với giai đoạn trước đây.
Trong khi nguồn lực của PVN còn hạn chế thì việc kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đầy rủi ro này cũng bị vướng rất lớn bởi các chính sách trước đây đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, ông Minh nhấn mạnh.
Theo Viện Dầu khí Việt Nam, với những dự báo về tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Việt Nam khoảng 5,1%/năm trong giai đoạn 2016-2025 và 4,2%/năm giai đoạn 2026-2035, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai đồng bộ các giải pháp.
Theo đó, bên cạnh giải pháp đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, việc lập kho dự trữ năng lượng quốc gia sẽ là giải pháp để đối phó với tình trạng khẩn cấp khi có gián đoạn về nguồn cung.
Cùng đó, việc đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng; trong đó có dầu khí là giải pháp thường xuyên nhằm tăng cường khả năng khai thác sản xuất các nguồn năng lượng sơ cấp, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài.
Ngoài ra, việc tăng cường năng lực nội địa về sản xuất các dạng năng lượng thứ cấp; tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, tái tạo và xây dựng cơ chế hợp tác an ninh năng lượng khu vực sẽ là các giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tại Hội thảo, ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại khẳng định an ninh năng lượng tác động rất lớn đến an ninh lương thực, an ninh tài chính. Vì vậy, Luật Dầu khí cần sớm được sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh mới nhằm tạo động lực cho một ngành rất quan trọng và rất nhiều rủi ro, cả rủi ro truyền thống và rủi ro phi truyền thống.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng tập trung làm rõ các yêu cầu của việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trên cơ sở nghiên cứu những cơ hội, thách thức của ngành dầu khí ở Việt Nam; đồng thời đề xuất các kiến nghị giải pháp để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia ở Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hoá sâu rộng và xu hướng phát triển năng lượng tái tạo.
Hội thảo cũng đánh giá tổng quan sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam sau 60 năm thực hiện Ý nguyện của Bác Hồ (23/7/1959-23/7/2019); trong đó làm rõ vai trò của ngành dầu khí trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.