Tại hội thảo “Quản trị rủi ro về rào cản thương mại và pháp lý ở các thị trường trọng điểm trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại đang gia tăng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức chiều 14/6 ở Cần Thơ, bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ dẫn thống kê về số vụ tranh chấp liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp do VIAC hỗ trợ xử lý, cho thấy rào cản về thương mại và pháp lý đang gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp.
Theo bà Võ Thị Thu Hương, số vụ tranh tụng thương mại quốc tế có sự hỗ trợ xử lý từ VIAC, từ 1993 đến quý I/2019 ở thị trường Trung Quốc là 1 vụ; Hàn Quốc 97 vụ; Mỹ 58 vụ và Nhật Bản là 23 vụ.
“Từ năm 1993-2018, tổng số vụ xét xử tranh chấp thương mại quốc tế không nhiều, nhưng giá trị lại rất lớn, giá trị luỹ kế tranh chấp trong hoạt động thương mại do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) hỗ trợ xử lý đối với thị trường Hàn Quốc là 2.278 tỷ đồng; Mỹ là 366 tỷ đồng; Nhật Bản là 3.500 tỷ đồng”, bà Hương khẳng định.
Riêng với thị trường Trung Quốc, tổng giá trị tranh chấp luỹ kế trong giai đoạn này là 65.494 tỷ đồng. Theo bà Hương, những con số tranh chấp đã tham gia tại VIAC như một lát cắt của bức tranh về số vụ tranh chấp trong quá trình hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam; giá trị của nó có khi dẫn đến phá sản, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.
“Con số này chưa phản ảnh hết tổn thất của doanh nghiệp vì có doanh nghiệp tham gia tranh tụng tại kênh tòa án hay trung tâm trọng tài các nước do doanh nghiệp đề xuất trong hợp đồng”, bà Hương nói.
Lý giải cho nguyên nhân dẫn đến những con số trên, ông Lê Thành Kính, Trưởng văn phòng luật sư Lê Nguyễn, trọng tài viên VIAC cho biết, do vị trí địa lý xa làm hạn chế khả năng tiếp cận thông tin; năng lực hợp đồng, khả năng thích ứng với hệ thống luật pháp, văn hoá doanh nghiệp của các nước còn kém; diễn biến phức tạp của rào cản thương mại bảo hộ gần đây... Trong số đó, cần nhấn mạnh đến tâm lý “cả nể” của người Việt Nam trong buôn bán.
Theo ông Lê Thành Kính, hầu hết không kỹ lưỡng trong kiểm tra thông tin người chịu trách nhiệm pháp lý của bên công ty đối tác, trong khi đây là lại thông tin được phép để trống trong giấy phép kinh doanh của các công ty nước ngoài, theo luật của nước sở tại. Do đó, khi xảy ra tranh chấp không biết kiện ai, dẫn đến sẽ nắm phần thua thiệt nếu người đại diện ký hợp đồng không phải là người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp đối tác.
Đặc biệt, với đối tác Trung Quốc là mua bán theo dạng biên mậu với đa dạng các mặt hàng nông sản, thực phẩm, trái cây… Trong khi đó, việc mua bán chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt với hình thức thanh toán trước 30-50% giá trị hợp đồng nên dẫn đến tình trạng khi thị trường biến động, đối tác không nhận hàng, tức không nhận được 100% giá trị hợp đồng. Số lượng còn lại 50-70% giá trị hợp đồng không nhận được dẫn đến phát sinh về tranh chấp trong thanh toán.
Một vấn đề khác cũng dẫn đến tranh chấp là chất lượng hàng hóa, nguyên liệu đầu vào chủ yếu rơi vào hàng hóa nguyên vật liệu trong may mặc, hóa chất trong sản xuất không tốt khiến nhiều cơ sở sản xuất không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, Việt Nam mới khiếu kiện họ về hàng hóa không đảm bảo chất lượng.