Theo Tổng Thư ký Trung tâm Nghiên cứu Du lịch thuộc CASS Kim Chuẩn, quan hệ kinh tế và thương mại quốc tế cởi mở, lành mạnh do RCEP mang lại sẽ giúp tối ưu hóa điều kiện thị trường khu vực, thúc đẩy trao đổi kinh tế và văn hóa, đồng thời liên kết cung - cầu du lịch ở các quốc gia khác nhau.
Báo cáo chỉ ra trong năm 2019, các nước RCEP đã đón tổng cộng 398 triệu lượt khách du lịch nước ngoài và có 260 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài, lần lượt chiếm 29% và 24% tổng số tương ứng toàn cầu. Hơn một nửa diện tích đất liền ở các nước RCEP là vùng núi, hình thành nên các trung tâm du lịch nổi tiếng. RCEP sở hữu 46 địa điểm núi non có tên trong danh sách Di sản Thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, mang đến nhiều dư địa để phát triển loại hình du lịch núi tại các nước này.
Ông Kim Chuẩn tin tưởng RCEP sẽ thúc đẩy chu kỳ kinh tế du lịch mạnh mẽ hơn và các thành viên RCEP sẽ trở thành những điểm đến du lịch quốc tế quan trọng, thu hút hơn 30% lượng du khách và chi tiêu du lịch toàn cầu.
RCEP có 15 thành viên, bao gồm 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Thỏa thuận RCEP được ký vào tháng 11/2020 và có hiệu lực ngày 1/1/2022, với mục tiêu xóa bỏ dần thuế quan đối với hơn 90% hàng hóa được giao dịch giữa các thành viên.