Ngày 6/6, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tổng công ty Cảng hàng không quốc tế Việt Nam đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về việc giải phóng mặt bằng, tái định cư và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ ảnh hưởng đến 4.500 hộ dân, trong đó có 3.000 hộ phải giải tỏa trắng. Ngoài ra, có khoảng 1.000 ngôi mộ và các công trình tín ngưỡng, tôn giáo, trường học,… cũng phải di dời. Tổng chi phí đền bù, tái định cư là trên 15.000 tỷ đồng.
Mô hình Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: baodongnai.com.vn |
Hiện tỉnh Đồng Nai đã chia công tác giải phóng mặt bằng làm 2 giai đoạn. Theo đó, từ nay đến năm 2020, sẽ giải phóng mặt bằng hơn 2.500 ha (chủ yếu là đất cao su) với 1.100 hộ dân (có 800 hộ giải tỏa trắng). Kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư giai đoạn này là trên 4.200 tỷ đồng (áp giá năm 2010).
Ông Vĩnh cho biết: Đồng Nai đã quy hoạch 2 khu tái định cư (mỗi khu có diện tích 280 ha), tại những khu tái định cư này, tỉnh sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở các hộ dân tự xây. Vấn đề đặt ra là người dân di dời, đến khu tái định cư đồng nghĩa với việc họ sẽ không có việc làm, thiếu đất sản xuất. Khi Sân bay Long Thành xây dựng sẽ cần hơn 24.000 công nhân lao động, để đảm bảo cuộc sống của người dân, tới đây sẽ có những thỏa thuận rõ ràng với chủ đầu tư và các nhà thầu, để ràng buộc họ trong vấn đề nhận lao động địa phương vào làm việc.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã quy hoạch 10 năm và sẽ khởi công vào năm 2015, tuy nhiên đến thời điểm này việc giải phóng mặt bằng, thực hiện tái định cư vẫn chưa thể triển khai. Theo ông Vĩnh: “Nếu thuận lợi, việc giải phóng mặt bằng sẽ mất 1 năm. Để dự án triển khai đúng tiến độ, tỉnh Đồng Nai mong muốn chủ đầu tư bố trí kinh phí để thực hiện công tác này đầu năm 2014”.
Vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh Đồng Nai đã giao cho các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Về cung cấp nước, dự án Nhà máy nước Nhơn Trạch đang được tiến hành khẩn trương và sẽ hoàn thành trước khi sân bay khởi công xây dựng (nhà máy này sẽ cung cấp nước cho sân bay). Đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, một tuyến đường chính khi sân bay đi vào khai thác đang thi công đến giai đoạn cuối và sẽ hoàn thành vào năm 2014. Về điện, Công ty Điện lực Đồng Nai cho biết sẽ lắp đặt 1 trạm biến áp gần Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bên cạnh đó, khu vực huyện Long Thành đang có 4 trạm viễn thông, các trạm này đủ khu năng phục vụ nhu cầu của sân bay. Các tuyến đường tỉnh kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đang được nâng cấp, sửa chữa và sẽ hoàn thành trước năm 2015.
Theo đánh giá của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng như Tổng công ty Cảng hàng không quốc tế Việt Nam , đến thời điểm này, tỉnh Đồng Nai đã có những quy hoạch, sự chuẩn bị tốt cho dự án sân bay Long Thành. Tới đây, chủ đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan ở Đồng Nai để thống nhất thời gian, vị trí đặt các công trình (điện, viễn thông,…) phục vụ sân bay.
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây trên diện tích hơn 5.000 ha. Đây là cảng hàng không cấp 4F, tiếp nhận được máy bay loại A0-800 hoặc tương đương. Từ nay đến năm 2014 sẽ là giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thu xếp tài chính (khởi công năm 2015). Sân bay chính thức vận hành, khai thác vào năm 2020, công suất đạt 25 triệu hành khách/năm và ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ có ba đường cất hạ cánh, công suất 50 triệu khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Sau năm 2030, sẽ gồm bốn đường cất hạ cánh song song và bốn nhà ga, tổng công suất 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng/năm.
Công Phong