Sắp hết thời gian bảo hành, Quốc lộ 5 vẫn “chắp vá”

Di chuyển trên Quốc lộ 5 thời điểm này, đặc biệt là đoạn tiếp giáp giữa tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng, người tham gia giao thông gặp rất nhiều khó khăn trên những đoạn đường bị trồi sụt, hằn lún thành rãnh.

Theo quan sát của phóng viên, dọc tuyến Quốc lộ 5 (đoạn qua địa phận huyện An Dương, TP. Hải Phòng, hầu như đoạn nào cũng có tình trạng hằn lún, trồi sụt mặt đường. Đặc biệt đoạn đường gần 20 km (đoạn từ Km 76 - Km 92) tiếp giáp từ Hải Dương về phía nội đô Hải Phòng theo cả hai chiều, tình trạng hằn lún gần như cả mặt đường. Điều này gây nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao, đặc biệt là đối với mô tô, xe máy di chuyển trên tuyến này. 

Sau khi có nhiều phản ánh của báo chí, Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án 3 - đơn vị quản lý dự án sửa chữa Quốc lộ 5 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), chỉ đạo nhà thầu sửa chữa dứt điểm. Tuy nhiên, việc sửa chữa của nhà thầu mới dừng lại ở việc cào, gọt phần đỉnh trồi lên. Thậm chí khi thực hiện, các nhà thầu đã cào luôn cả phần sơn phân chia làn đường gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông.

Ông Đỗ Trọng Hiệp, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: “Đoạn đường hằn lún nêu trên nằm từ km 76-Km 92+460, thuộc 2 gói thầu số 9, 10 của dự án cải tạo Quốc lộ 5 do Liên danh Cienco1-Hall Brother thi công và gói 10 do Công ty TNHH Infrasol thi công theo công nghệ cào bóc, tái chế cách đây gần 3 năm”.

Về vấn đề sửa chữa mặt đường hư hỏng, ông Đỗ Trọng Hiệp khẳng định, “Ban Quản lý dự án 3 đã liên tục đốc thúc các nhà thầu sửa chữa và cũng đã chốt yêu cầu nhà thầu sửa triệt để vào cuối tháng 12 tới”.

Theo ông Trần Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, việc hằn lún kéo dài trên Quốc lộ 5 đang gây bức xúc cũng như gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông. Đối với xe cơ giới, xe đầu kéo khi xe lưu thông trên các điểm hằn lún khiến xe khó điều khiển phương hướng mong muốn, vết hằn làm bào mòn lốp, gây nguy cơ nổ lốp tăng cao.

“Đặc biệt đối với các phương tiện nhỏ như xe máy, vết hằn lún còn gây khó khăn cho việc điều chỉnh tay lái. Đã có nhiều người và phương tiện bị ngã khi đi vào các điểm hằn lún trên tuyến đường này”, ông Trần Quốc Hoàn nói.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lý Văn Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Xuân Thành (Hải Phòng) cho biết: “Mỗi tháng doanh nghiệp có hàng chục lượt xe chạy qua tuyến Quốc lộ 5. Mặc dù đường hỏng nhưu vậy nhưng Quốc lộ 5 thu phí vẫn rất cao. Đường hằn lún khiến việc lưu thông trở nên khó khăn, tốn thời gian hơn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho lái xe”.

Ông Đỗ Trọng Hiệp, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 3, cho hay, thời hạn bảo hành của hai gói thầu 9,10 chỉ còn 5 tháng (tháng 4/2017, hai gói thầu này sẽ hết thời hạn bảo hành).

Một lãnh đạo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết, theo quy định của pháp luật, khi tiến hành nhận bàn giao tuyến đường sau khi hết hạn bảo hành, đơn vị nhận bàn giao (với quốc lộ là các Cục quản lý đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) sẽ lập hội đồng đánh giá, khoan lấy mẫu để kiểm nghiệm. Trong trường hợp đạt yêu cầu thì sẽ tiếp nhận bàn giao và ngược lại nếu không đạt sẽ yêu cầu nhà thầu sửa chữa tiếp.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tình trạng hư hỏng của Quốc lộ 5, Tổng cục Đường bộ đã có chỉ đạo, các nhà thầu phải tiến hành sửa chữa và thử thách mặt đường trước khi hết hạn bảo hành.

Đánh giá về vấn đề trên, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, “việc cào những đoạn trồi, sụt ra xem hiện tượng lún, sụt như thế nào để xử lý phần móng dưới. Nếu qua theo dõi, phần móng dưới không lún nữa thì nhà thầu mới thảm lại".

“Việc theo dõi này ít nhất là 3 tháng để coi những đoạn đường này còn bị trồi lún hay không. Nếu trường hợp còn trồi lún, Bộ Giao thông Vận tải sẽ yêu cầu nhà thầu phải xử lý cả phần móng dưới thì mới cho thảm lại để tránh nhiều trường hợp thảm xong vẫn bị hằn lún nên phải làm lại mất rất nhiều tiền”, Thứ trưởng cho biết. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: “Đây là vấn đề kỹ thuật chứ không phải nhà thầu “chây ì” cào lên không chịu thảm lại. Nhà thầu phải bảo hành công trình 2 năm và tiền bảo hành công trình Bộ Giao thông Vận tải vẫn giữ lại 10% trên tổng giá trị công trình. Vì vậy, trong trường hợp nhà thầu không chịu sửa thì số tiền trên đủ để sửa chữa hư hỏng trên”.

Dự án cải tạo, khôi phục mặt Quốc lộ 5 gồm 5 gói thầu được hoàn thành và bàn giao sử dụng từ năm 2013 với số vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 3 năm sửa chữa, nâng cấp, hiện Quốc lộ 5 tiếp tục bị trồi sụt. Đặc biệt, gói thầu số 9 và số 10 nằm trong đoạn móng và mặt đường hư hỏng nặng đã được Bộ Giao thông Vận tải cho phép áp dụng công nghệ cào bóc tái chế. Trong đó, Liên doanh Cienco 1- Hall Brothers thi công gói thầu số 9, nhà thầu Writgen (Đức) thi công gói thầu số 10.


Hoàng Ngọc - Quang Toàn (TTXVN)
Đề xuất sửa chữa quốc lộ 5  với kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng
Đề xuất sửa chữa quốc lộ 5 với kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng

Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về hiện trạng xuống cấp quốc lộ 5 đồng thời đề xuất các phương án sửa chữa tuyến đường này, với tổng kinh phí hơn 2.040 tỷ đồng trong thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN