VIDIFI được giao quản lý và thu phí các phương tiện giao thông trên quốc lộ 5 để hoàn vốn đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Đơn vị này cho biết, quốc lộ 5 đã được nâng cấp và khai thác được trên 18 năm (được cải tạo, nâng cấp từ tháng 6/1996 và hoàn thành tháng 6/1998). Do tuyến đường đã được khai thác thời gian dài, lưu lượng giao thông lớn, trong đó, chủ yếu là các phương tiện vận tài hàng hóa có tải trọng lớn nên đã ảnh hưởng đến kết cấu mặt đường, cầu và công trình phụ trợ.
Hằn lún trên quốc lộ 5 cần được sửa chữa gấp. Ảnh: TTXVN |
Hiện nay, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được đưa vào khai thác, một phần lưu lượng xe có phân lưu sang đường cao tốc. Tuy nhiên, do đặc điểm quốc lộ 5 là nơi tập trung nhiều nhà máy, khu công nghiệp, mức thu phí thấp hơn đường cao tốc, do đó, quốc lộ 5 vẫn là tuyến đường mà các phương tiện vận tải, đặc biệt là phương tiện vận chuyển hàng hóa lựa chọn tiếp tục lưu thông với lưu lượng lớn. Khi tiếp nhận công tác quản lý, bảo trì quốc lộ 5, VIDIFI đã có đề xuất và được Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận thuê đơn vị tư vấn độc lập để khảo sát, đánh giá hiện trạng phục vụ bàn giao và sửa chữa quốc lộ 5. Hiện nay, tư vấn đã hoàn thành khảo sát và lập phương án sửa chữa quốc lộ 5.
Căn cứ vào kết quả khảo sát của tư vấn, hiện trạng quốc lộ 5 (chiều dài toàn tuyến 102km từ km11+135 đến km113+252) nhiều đoạn tuyến có mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe, cầu và các hạng mục khác xuống cấp trầm trọng và hư hỏng cần phải phải đại tu sớm. Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, quốc lộ 5 đã đến thời hạn phải thực hiện đại tu tổng thể tuyến đường này.
Liên quan đến kinh phí sửa chữa quốc lộ 5 theo phương án đề xuất trên, đối với sửa chữa đợt 1 dự toán kinh phí sửa chữa khoảng 840 tỷ đồng, theo Quyết định 746/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, phương án tài chính đã có khoảng 240 tỷ đồng (chi phí cho công tác trùng tu quốc lộ 5 vào năm 2020), VIDIFI đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung 600 tỷ đồng vào khoản chi của phương án tài chính cập nhật dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong 2 năm 2017 - 2018 (năm 2017 là 350 tỷ đồng, năm 2018 là 250 tỷ đồng).
Đối với sửa chữa đợt 2, VIDIFI nhìn nhận, tùy theo tình hình hiện trạng cụ thể của quốc lộ 5, sẽ tiếp tục thực hiện sửa chữa đợt 2 với chi phí khái toán khoảng 1.200 tỷ đồng, thời gian dự kiến thực hiện từ 2019 - 2021 (nếu tuyến đường xuống cấp nhanh thì có thể triển khai sớm hơn).
“Trường hợp phương án tài chính của dự án tại thời điểm 2018 khả thi, VIDIFI đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung kinh phí sửa chữa vào phương án tài chính của dự án. Trường hợp phương án tài chính tại thời điểm năm 2018 không cân đối được hoặc chỉ cân đối được một phần, phần kinh phí còn thiếu đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ có cơ chế hỗ trợ phù hợp,” lãnh đạo VIDIFI nhấn mạnh.
Từ năm 2017 đồng thời với việc thực hiện sửa chữa quốc lộ 5, phía VIDIFI kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ bổ sung các trạm cân kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ 5 để kiểm soát xe quá tải trọng nhằm đảm bảo chất lượng khai thác tuyến đường, kinh phí thực hiện cho phép được bổ sung vào phương án tài chính cập nhật.
Phương án sửa chữa quốc lộ 5 bao gồm 2 đợt. Cụ thể, đợt 1 sẽ tập trung sửa chữa một phần mặt đường (khoảng 30 km), một phần cầu và các hạng mục an toàn giao thông như hộ lan, dải phân cách giữa, sơn kẻ vạch, hệ thống thoát nước... thuộc đoạn 1 từ km11+135 - km76+000 với kinh phí 840 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2018. Đợt 2 thực hiện sửa chữa phần còn lại của đoạn tuyến km11+13 - km76+000 và các đoạn tuyến còn lại của quốc lộ 5 sửa chữa mặt đường (khoảng 60 km còn lại), tiếp tục sửa chữa nâng cấp các hạng mục phụ trợ (hộ lan, dải phân cách giữa, sơn kẻ vạch, hệ thống thoát nước...) với chi phí khoảng 1.200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2021. |