Sau 20 năm mở cửa, doanh nghiệp Việt vẫn thống lĩnh thị trường

Sau hơn 20 năm Việt Nam mở cửa thị trường cho hàng hóa của Cộng đồng các nước Đông Nam Á (ASEAN) đến nay các doanh nghiệp Việt vẫn nắm vai trò chủ đạo và chiếm 97% tổng lượng hàng hóa đang giao dịch trên thị trường.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.


Điều đó cho thấy, không có gì phải e ngại khi Việt Nam tham gia Cộng đồng ASEAN; trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau ngày 31/12/2015, cũng như đối diện với những thách thức khi hàng ngàn, hàng vạn mặt hàng được giảm thuế sau thời điểm đó. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định.


Hiểu được những băn khoăn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp về nguy cơ hàng Việt, doanh nghiệp Việt sẽ bị lấn sân bởi các doanh nghiệp nước ngoài và hàng hóa nhập ngoại sắp tràn vào thị trường Việt Nam khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng, theo những cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do đã ký kết với các đối tác thì lĩnh vực bán buôn, bán lẻ luôn là lĩnh vực nhạy cảm. Vì vậy, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường một cách có lộ trình, mở cửa thận trọng. Đối với từng loại hàng hóa cũng sẽ áp dụng từng mức độ mở cửa khác nhau như các mặt hàng nông sản, xăng dầu cùng một số sản phẩm khác.


Cụ thể như khi đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã đấu tranh và bảo hộ được 4 mặt hàng nông sản như muối ăn, đường ăn, các loại trứng gia cầm và nguyên liệu thuốc lá. Bốn loại hàng hóa này hiện đang được áp dụng hạn ngạch thuế quan trong việc xem xét nhập khẩu, nghĩa là chỉ cho phép mỗi năm nhập khẩu một lượng nhất định vào Việt Nam và hưởng thuế suất ưu đãi. Nếu đối tác xuất khẩu vào Việt Nam ngoài hạn ngạch sẽ phải chịu thuế suất rất cao.


Đây chính là một trong những biện pháp khuyến khích đầu tư trong nước, bảo hộ có điều kiện đầu tư trong nước, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ vươn lên củng cố và phát triển thị trường.


Bộ trưởng Huy Hoàng cho biết, hiện nay, sự xuất hiện của các thương hiệu nước ngoài hay các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ nước ngoài hoạt động ở Việt Nam chưa nhiều, mới chỉ có Metro, BigC, Lotte… Số lượng và chủng loại hàng hóa của họ cũng chịu sự kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền từ cấp Trung ương đến địa phương. Việc mở thêm cơ sở hoạt động của họ được xem xét một cách rất cẩn trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở cân nhắc tính phù hợp của quy hoạch; khả năng tác động hay ảnh hưởng tới việc phân bổ mạng lưới các cơ sở bán buôn, bán lẻ của Việt Nam. Bên cạnh đó, có thể giúp gắn kết giữa sản xuất và tiêu dùng cũng như thúc đẩy việc sản xuất của người dân và các cơ sở của Việt Nam để đưa hàng vào hệ thống bán buôn, bán lẻ của các đối tác nước ngoài tại Việt Nam.


“Khi ấy, chúng ta mới cho phép những doanh nghiệp này được đầu tư thêm. Vì thế cho đến nay, thị trường hàng hóa và hệ thống bán buôn, bán lẻ tại Việt Nam vẫn do các doanh nghiệp Việt chi phối hay chiếm thị phần chủ yếu và chỉ có 3% là các doanh nghiệp nước ngoài”, Bộ trưởng nói.


Tư lệnh ngành Công Thương khẳng định, bản thân những đối tác nước ngoài khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cũng luôn được nhắc nhở phải tuân thủ đúng lộ trình và thực hiện nghiêm túc các cam kết đã ký, nhất là khi có nhu cầu nhượng bán một phần hoặc toàn bộ phần đầu tư của họ tại Việt Nam sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ khi các doanh nghiệp Việt không đủ khả năng và điều kiện để mua lại cổ phần thì lúc ấy mới mời các doanh nghiệp nước ngoài vào.


Sau thời điểm 31/12/2015, Việt Nam tham gia Cộng đồng ASEAN và phải thực hiện nhiều cam kết với Cộng đồng Kinh tế ASEAN như đưa thuế suất dần về mức 0%, hay nới rộng hơn một số biện pháp mà trước đây chúng ta từng sử dụng để hạn chế hàng hóa nhập ngoại. Bộ trưởng Bộ Công Thương tin tưởng rằng, đó sẽ là lúc nhiều doanh nghiệp Việt tiếp tục khẳng định vị thế của mình bằng sức mạnh của mình và khả năng đứng vững trong cạnh tranh không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường hàng hóa của nhiều nước ASEAN khác. Đây cũng là cơ hội để đưa những sản phẩm mà Việt Nam có ưu thế như dệt may, da giày hay nông sản, thủy sản vào hệ thống bán buôn, bán lẻ của các nước ASEAN. Bởi cơ hội là như nhau, thuế quan là như nhau, Bộ trưởng Huy Hoàng nhấn mạnh.


Theo người đứng đầu ngành công thương, nếu các doanh nghiệp tự xây dựng và chuẩn bị cho mình một chiến lược, một kế hoạch kinh doanh phù hợp, chắc chắn sẽ đón nhận được nhiều cơ hội bên cạnh những thách thức đặt ra. Bởi với bản lĩnh và sự thận trọng trong từng bước đi, với việc thực hiện các chủ trương đúng đắn cùng những chính sách phù hợp để bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, bảo hộ quyền lợi chính đáng của cơ sở sản xuất cũng như người tiêu dùng thì Việt Nam không có gì phải e ngại khi mở cửa thị trường lần nữa, để tham gia vào sân chơi chung trong hợp tác kinh tế về nhiều mặt.


Thạch Huê

Đẩy mạnh cổ phần hóa  doanh nghiệp nhà nước
Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Năm 2015 là năm cuối của “Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN